Hiện các doanh nghiệp ở ĐBSCL đang thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh tái khôi phục sản xuất. Điều này không chỉ bù đắp cho những tháng tăng trưởng kém do ảnh hưởng của dịch bệnh, mà còn được kỳ vọng tạo đà bứt phá vào những tháng cuối năm 2020.
Do chuẩn bị tốt nên ngay đầu vụ lúa Hè Thu năm nay, tình trạng lúa nằm ngoài đồng chờ thương lái đã không còn. Đặc biệt, giá lúa cao hơn so với năm 2019 từ 400 - 500 đồng (tùy khu vực vận chuyển). Một số doanh nghiệp còn chuẩn bị lượng lớn gạo chất lượng cao để đón đầu, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực. Đây được kỳ vọng tạo cú hích cho việc tăng tốc của ngành hàng này vào những tháng cuối năm.
Nhiều doanh nghiệp chuẩn bị lượng lớn gạo chất lượng cao để đón đầu EVFTA. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu gạo đạt hơn 1,7 tỷ USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2019.
Điều này cho thấy bằng sự linh hoạt thích ứng, ngành lúa gạo không chỉ giảm thiểu tổn thất trước biến động của thị trường, mà còn đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu xuất khẩu gạo năm nay.
6 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu gạo đạt hơn 1,7 tỷ USD, tăng gần 18%. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Triển vọng xuất khẩu toàn cầu đang mở ra với lúa gạo của Việt Nam khi Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực từ tháng 8 tới đây và EU dành cho Việt Nam hạn ngạch lên tới 80.000 tấn gạo/năm. Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc và tập trung vào phân khúc chất lượng cao, gạo thơm, gạo đặc sản để có mức giá tốt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!