Tình trạng thắt chặt chi tiêu thời kinh tế khó khăn, niềm tin tiêu dùng của người dân giảm mạnh tại thị trường 1,4 tỷ dân đang khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia lo ngại.
Lãnh đạo Tập đoàn tiêu dùng Unilever nhận định, doanh số bán hàng tại Trung Quốc giảm là do thị trường bất động sản đi xuống, xuất khẩu khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp cao nên người tiêu dùng, nhất là thanh niên giảm mạnh niềm tin tiêu dùng, thắt chặt chi tiêu.
Với hãng ô tô Nissan, triển vọng doanh số bán hàng thấp hơn nhiều so với năng lực sản xuất. Sự phục hồi thị trường ô tô lớn nhất thế giới sẽ phải mất vài năm.
Với Apple, quý II, dự báo doanh số bán hàng tại Trung Quốc cũng đứng yên. Caterpillar giảm doanh số bán hàng quý II từ 5 - 10% so với bình thường.
Bức tranh tiêu dùng ảm đạm tại thị trường Trung Quốc, phần lớn các tập đoàn đa quốc gia đều dừng nâng cao triển vọng thị trường Trung Quốc trong quý III hoặc thận trọng trong đề ra doanh thu cả năm.
Người dân mua hàng hóa tại một siêu thị ở Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua)
Ngoài niềm tin tiêu dùng giảm, các tập đoàn đa quốc gia còn cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ nội địa Trung Quốc ngày càng lớn mạnh.
Lần đầu tiên các hãng ô tô của Trung Quốc chiếm hơn 50% thị phần trong nước khiến hãng xe của Đức Volkswagen phải điều chỉnh giảm doanh số bán hàng tại thị trường Trung Quốc.
Một loạt tập đoàn của Hàn Quốc như Samsung, SK Hynix cũng giảm mạnh doanh số, một phần vì sụt giảm đơn hàng từ Trung Quốc.
Riêng một số lĩnh vực như ăn uống lại ghi nhận sự sáng sủa. Starbucks ghi nhận doanh thu quý II tăng 46% tại thị trường Trung Quốc; KFC, Pizza Hut tăng 25%. Tuy nhiên điểm chung là phần lớn các tập đoàn đa quốc gia đều thận trọng với kế hoạch điều chỉnh doanh thu tăng 2 quý cuối năm, bởi bức tranh tiêu dùng phục hồi chậm ở Trung Quốc cũng như tình hình thế giới còn nhiều khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!