Theo khảo sát của công ty phân tích Coalition, các ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới đã trải qua một quý III tồi tệ với thu nhập giảm 8%. Doanh thu của các ngân hàng đầu tư giảm sút trong những năm gần đây nhất là tại châu Âu, trong bối cảnh ngành áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn, chi phí kiện tụng phát sinh và thị trường biến động buộc các ngân hàng phải tái cơ cấu, cắt giảm nhân sự và rút hoạt động khỏi một số lĩnh vực kinh doanh.
Các luật lệ quy định mới tác động mạnh đến mảng nghiệp vụ FICC (chuyên kinh doanh những sản phẩm cho thu nhập cố định, các sản phẩm trên thị trường tiền tệ và hàng hóa) - thường đóng góp một nửa doanh thu cho các ngân hàng đầu tư.
Theo số liệu của Coalition, doanh thu của 10 ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới đã giảm khoảng 50% kể từ năm 2009. Tất cả các ngân hàng mà Coalition theo dõi gồm: Merrill Lynch, Barclays, BNP Paribas, Citi, Credit Suisse, Deutsche Bank, Goldman Sachs, JPMorgan, Morgan Stanley và UBS - có doanh thu trong quý III/2015 giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 34,1 tỷ USD.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy một điểm sáng đáng chú ý của các ngân hàng là hoạt động kinh doanh cổ phiếu có doanh thu ước sẽ tăng 12% so với năm 2014, lên 44,8 tỷ USD. Các nhà đầu tư đã chuyển khỏi khá nhiều sản phẩm cho thu nhập cố định và chuyển hướng sang lĩnh vực cổ phiếu chứng khoán, trong bối cảnh giới chức Mỹ có khả năng sẽ tăng lãi suất vào tháng 12 tới.
Nguồn thu từ mảng nghiệp vụ IBD - chuyên tư vấn cho các hoạt động mua bán/sáp nhập doanh nghiệp (M&A), bảo lãnh phát hành cồ phiếu và bảo lãnh nợ - của các ngân hàng đầu tư dự đoán sẽ giảm 6% so với năm 2014, xuống còn 38,2 tỷ USD trong năm nay.
Trong quý III vừa qua, doanh thu của các mảng nghiệp vụ FICC và IBD giảm lần lượt 18% và 3% xuống còn 14,2 tỷ USD và 9,1 tỷ USD, trong lúc số thu từ hoạt động đầu tư vào các cổ phiếu tăng 4% lên 10,9 tỷ USD. Về mặt nhân sự, các ngân hàng đầu tư đã cắt giảm 1% số nhân viên so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó mảng FICC giảm 3%.
Trong khi đó, theo báo cáo của Cơ quan Ngân hàng châu Âu (EBA), các ngân hàng ở Liên minh châu Âu (EU) đã có sự cải thiện về nguồn vốn trong năm 2015, dù còn phải đẩy mạnh nỗ lực để giảm số nợ xấu.
Giám đốc đảm trách vấn đề giám sát của EBA, Piers Haben nói khả năng "đàn hồi" trong lĩnh vực ngân hàng của EU đã tăng lên, khi mức vốn (của các ngân hàng) gia tăng. Tuy nhiên, các ngân hàng cần tiếp tục giải quyết vấn đề nợ xấu - ước chiếm gần 6% tổng số nợ của các ngân hàng - đang ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận hiện vẫn còn thấp.
Báo cáo của EBA cung cấp số liệu cụ thể về tình trạng vốn, số nợ xấu và chất lượng tài sản của 105 ngân hàng tại 21 nước châu Âu - đang chiếm khoảng 70% hoạt động ngân hàng của EU - trong thời gian từ cuối tháng 12/2014 đến cuối tháng 6/2015.
Việc công bố số liệu như vậy là để thực hiện cam kết về tăng cường tính minh bạch trong lĩnh vực ngân hàng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!