Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2018, Việt Nam chỉ xếp thứ 77/140 quốc gia, bị đánh tụt 3 bậc so với năm trước. Việc WEF không còn đánh giá trọng số mà tập trung vào nội dung đổi mới sáng tạo - yếu tố tăng trưởng của nền kinh tế tương lai đã cho thấy những lợi thế về tài nguyên, lao động giá rẻ của Việt Nam đang ngày càng kém hấp dẫn. Thay đổi để bứt phá cũng là thông điệp được Chính phủ đưa ra tại Diễn đàn CEO 2019 do Thời báo kinh tế Việt Nam tổ chức cuối tuần qua.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết: "Chủ tương đã rõ, yêu cầu rất cấp thiết từ đổi mới bứt phá về tư duy, doanh nghiệp cần hành động ngay, kịp thời, quyết liệt, khẩn trương để có thể đạt được kết quả cụ thể về đổi mới sáng tạo trong từng ngành, từng lĩnh vực. Mỗi doanh nghiệp phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo".
Theo khảo sát của Thời báo Kinh tế Việt Nam, hiện chỉ có khoảng 1/4 số doanh nghiệp Việt Nam đang dám dành ra hơn 5% ngân sách cho đầu tư sáng tạo. Tuy nhiên, tương lai sẽ không nằm trên đường kéo dài của quá khứ.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói: "Đổi mới sáng tạo đòi hỏi sự thay đổi nhưng chính các cơ chế, hệ giá trị, quy trình mà thông qua đó công ty tạo ra giá trị và thành công lại là kẻ thù của sự thay đổi. Do vậy, năng lực của một tổ chức cũng là thứ ấn định những khuyết tật của nó và nhiệm vụ của các CEO là phải giải quyết mâu thuẫn này khi có yêu cầu về đổi mới sáng tạo".
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chấp nhận các mô hình kinh doanh mới, chấp nhận các công nghệ mới làm thay đổi căn bản các ngành, thường là sự sáng tạo mang tính phá hủy. Nhưng chờ một ví dụ thành công thì sự chấp nhận sẽ không còn mang nhiều giá trị.
Ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch HĐQT FPT Software cho hay: "Doanh nghiệp nhanh hơn sẽ thắng doanh nghiệp nào lớn hơn. Doanh nghiệp nhỏ và vừa hãy coi đó là lợi thế. Đổi mới sáng tạo từ những thứ nhỏ, nhanh và hiệu quả sẽ thay đổi doanh nghiệp".
Thách thức của đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp nhỏ cũng như một quốc gia đang phát triển là rất lớn nhưng vì có ít thứ để mất nên cơ hội sẽ nhiều hơn. Đây cũng chính là chìa khóa để Việt Nam thay đổi thứ hạng, đạt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!