Đổi tiền mới dịp Tết, còn cần thiết không?

Theo VOV-Thứ tư, ngày 26/01/2022 19:33 GMT+7

VTV.vn - Năm nay, các ngân hàng thương mại hạn chế đổi tiền lẻ mới cho khách, trong khi dịch vụ đổi tiền trên mạng lại khá nhộn nhịp với giá chênh lệch khá cao.

Những thông tin quảng cáo "Đổi tiền mới nguyên series", "Dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới", "Đổi tiền lì xì Tết phí thấp nhất Hà Nội", "Đổi tiền mới, tiền lẻ, tiền lì xì"… những ngày cuối năm lại tràn trên mạng. Theo tìm hiểu của phóng viên, dịch vụ đổi tiền online trên mạng luôn có sẵn tiền lẻ các loại mệnh giá từ nhỏ 2.000 đồng, 5.000 đồng đến lớn 50.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng, 500.000 đồng với nguyên seri.

Đổi tiền mới dịp Tết, còn cần thiết không? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên phí đổi tiền lẻ sẽ tuỳ theo mệnh giá. Phí trung bình là 7-8%, tiền mệnh giá nhỏ có phí đổi cao hơn từ 10-15% (tức là đổi 100.000 đồng tiền mới sẽ mất phí 15.000 đồng). Riêng tiền mới mệnh giá 500 đồng có phí đổi "cắt cổ" lên đến 50%, thậm chí có nơi 60%.

Tiền mới mệnh giá 1.000 đồng có phí 20%. Giá cao là vậy nhưng dịch vụ này vẫn đông khách là do nhu cầu người dân dịp tết cần tiền mới vẫn lớn. Anh Nguyễn Trung, tại Đống Đa, Hà Nội cho biết nhu cầu muốn đổi tiền mới để lì xì cho bạn bè, người thân. "Mình vẫn muốn đổi ít tiền lẻ, tiền mới về quê mừng tuổi mọi người, lì xì qua ngân hàng, qua thẻ cũng được nhưng cầm tiền vẫn thích hơn", anh Trung nói.

Tại Hội nghị trực tuyến về công tác tiền mặt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022 mới đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, việc cung ứng tiền mặt là hoạt động liên tục, thường xuyên để thay thế tiền cũ, tiền rách và đảm bảo nhu cầu thanh toán của nền kinh tế. Ngành ngân hàng phải bảo đảm cung ứng đủ tiền mặt cho nhu cầu của nền kinh tế với khối lượng, cơ cấu mệnh giá đồng tiền phù hợp, đặc biệt là trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022.

Một trong những nguyên nhân khiến nhu cầu đổi tiền lẻ mới năm nào cũng "nóng", theo phó tổng giám đốc một NH thương mại, do thói quen và tập quán mừng tuổi đầu năm. Thậm chí, nhiều khách hàng còn xin đổi tiền mới để "đầu năm xài tiền mới cho may mắn", chứ không hẳn là để lì xì.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: "Cuối năm thường hay nói đến tiền mới, tiền cũ, chúng ta cũng nên vận động mọi người sử dụng đồng tiền có chức năng là thanh toán, không nên lãng phí, gây nên phản cảm, nhất là văn hoá tâm linh. Nên tuyên truyền người dân cùng làm tốt, vừa giữ bản sắc văn hoá dân tộc trong tâm linh tín ngưỡng, vừa đảm bảo đúng chức năng của đồng tiền, sử dụng có hiệu quả".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước