Chỉ trong gần 2 tháng qua, nửa số cổ phiếu dệt may trên sàn đạt mức tăng trưởng từ 20 - 40%. Theo các thành viên trên thị trường, tăng trưởng này có được nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ yếu tố cơ bản của doanh nghiệp.
Trong 8 tháng đầu năm, Dệt May Thành Công đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm. Hay như Tập đoàn Dệt May Việt Nam, nửa đầu năm, lợi nhuận cũng tăng 58% so với cùng kỳ. Giá của hai cổ phiếu TCM, VGT cũng tăng trên 30% trong thời gian qua. Đại diện của VGT khẳng định dệt may Việt Nam đang phát huy được thế mạnh riêng, giá trị xuất khẩu cả năm có thể đạt 35 tỷ USD.
Tuy tăng giá nhưng thanh khoản của nhóm cổ phiếu dệt may chưa cao. Theo các công ty chứng khoán, nhà đầu tư chỉ mua vào khi các cổ phiếu đạt giá trị giao dịch từ 5 - 10 tỷ đồng/phiên và nắm giữ các cổ phiếu này trong trung và dài hạn, thay vì đầu tư ngắn hạn.
Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào, chi phí tiền lương cho nhân công sẽ ảnh hưởng chính đến lợi nhuận của doanh nghiệp dệt may. Vì vậy các nhà đầu tư cũng cần lưu ý đến sự biến động của 2 yếu tố trên để tránh thua lỗ, mua đắt, bán rẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!