Khi EVFTA có hiệu lực, 37% các dòng thuế về da giày sẽ hưởng thuế nhập khẩu về 0%. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 7 tháng đầu năm ước đạt 9,53 tỷ USD, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Sự sụt giảm này, đồng nghĩa với việc giày dép đã rời khỏi top các mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Trong khi cùng kỳ năm 2019, giày dép tăng trưởng trên 13,5%, đạt kim ngạch xuất khẩu 10,3 tỷ USD.
Sau khi hoàn thành 22 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019, ngành da giày, túi xách đặt mục tiêu xuất khẩu 24 tỷ USD trong năm 2020, nhưng dịch bệnh đến bất ngờ đã làm lung lay mục tiêu. Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, ngành phải điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu trong năm nay, với mức giảm trên 10%.
Với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, ngành da giày kỳ vọng xuất khẩu giày dép trong quý III và quý IV/2020 sẽ tăng trưởng trở lại, giúp bù đắp lại những thiệt hại trong những tháng đầu năm.
Đơn hàng sụt giảm, xuất khẩu giày dép 7 tháng đầu năm 2020 đã rời khỏi top các mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Hiện EU là thị trường truyền thống của ngành da giày Việt Nam, chiếm tới gần 30% kim ngạch xuất khẩu, khoảng gần 6 tỷ USD mỗi năm.
Số liệu thống kê từ Lefaso cho thấy, xuất khẩu sang EU năm 2019 đạt 965 triệu USD với mặt hàng túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù và 5,03 tỷ USD với mặt hàng giày dép. Tổng cộng, ngành hàng da giày đạt khoảng 6 tỷ USD sang EU.
Ngay khi áp dụng EVFTA, 37% các dòng thuế về da giày sẽ hưởng thuế nhập khẩu về 0% và phần còn lại sẽ giảm dần từ mức thuế 12,5% về 0% theo lộ trình từ 3 - 7 năm tùy từng mặt hàng cụ thể.
Các mặt hàng có mức thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực tập trung vào mặt hàng giày thể thao, giày vải và giày cao su. Đây là các mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!