Đơn hàng xuất khẩu thủ công mỹ nghệ dịch chuyển về Việt Nam

Đào Hiền - Đức Thiện (VTV4)-Thứ ba, ngày 28/10/2014 18:33 GMT+7

Ông Jovan Vavan, Giám đốc Công ty Molli Toys - Thụy Sĩ.

Trong 4 ngày Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội, dự kiến sẽ có khoảng gần 600 nhà nhập khẩu quốc tế đến tham quan và giao dịch.

Dòng đơn hàng thủ công mỹ nghệ đang chuyển dịch từ Nhật Bản và Trung Quốc sang Việt Nam. Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt xấp xỉ 1 tỉ USD cho thấy sự tin tưởng vào chất lượng hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam của bạn hàng quốc tế. Đóng góp cho sự tăng trưởng đó là ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội với lợi thế nhiều làng nghề lâu đời và nghệ nhân khéo tay nổi tiếng.

Doanh nghiệp Mây tre đan Xuất khẩu Phú Ngọc - Hà Nội chuyên sản xuất và xuất khẩu sản phẩm mây tre đan thủ công. Thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, chiếm gần 90%. Theo đại diện công ty, từ đầu năm đến nay, số lượng đơn đặt hàng đã tăng trưởng trở lại.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc công ty Mây tre đan Xuất khẩu Phú Ngọc - Hà Nội cho biết: “Năm 2014, đơn đặt hàng cũng tăng so với năm 2013, đặc biệt là doanh nghiệp đã nhận được đơn đặt hàng đến hết tháng 7/2015”.

Trong 4 ngày Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội, dự kiến sẽ có khoảng gần 600 nhà nhập khẩu quốc tế đến tham quan và giao dịch. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ông Jovan Vavan, Giám đốc Công ty Molli Toys - Thụy Sĩ nhận xét: “Sản phẩm thủ công của Việt Nam rất đẹp, chúng tôi sẽ xem xét thêm yếu tố về giá cả. Hiện tại, công ty tôi chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng chúng tôi muốn tìm thêm nguồn cung mới, trong đó có Việt Nam”.

Giá thành sản xuất ngày một tăng, thời gian giao hàng lâu và yêu cầu số lượng đặt hàng tối thiểu cao là lý do khiến các nhà nhập khẩu chuyển đơn hàng sản xuất thủ công mỹ nghệ từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, xuất khẩu thủ công mỹ nghệ của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung nhờ thế đã xuất hiện nhiều tín hiệu lạc quan. Tính đến hết tháng 9/2014, kim ngạch thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đạt 132 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ.

Bà Đào Thu Vịnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: “Hiện tại, chủ yếu chúng tôi tập trung hỗ trợ tư vấn thiết kế và hỗ trợ về thị trường. Thị trường quyết định vấn đề năng lực, bởi nguồn gốc, tiềm năng thì có sẵn, nếu thị trường phát triển tốt thì khả năng đáp ứng của sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội là rất lớn. Và đương nhiên, các doanh nghiệp sản xuất thủ công mỹ nghệ cũng phải nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực quản lý, nâng cao đội ngũ làm nghề ổn định thì mới phát triển bền vững được”.

Hà Nội hiện có khoảng hơn 600 làng nghề thủ công mỹ nghệ với lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhân công giá rẻ. Hàng thủ công mỹ nghệ đang trở thành một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Hà Nội.

Thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất và tập trung phân khúc sản phẩm trung cấp, phấn đấu đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủ công mỹ nghệ toàn thành phố đạt 800 triệu USD.

Từ khóa:

xuất khẩu

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước