Ngành ngân hàng sẽ hưởng lợi như thế nào từ EVFTA? Triển vọng tái khởi động nền kinh tế trong bối cảnh COVID-19 ra sao? Đây đều là những nhân tố ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cả trong ngắn hạn và dài hạn? Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Nirukt Sapru (Giám đốc điều hành khu vực ASEAN và Đông Á của ngân hàng Standard Chartered).
PV: Ông đánh giá thế nào về tác động của EVFTA với ngành ngân hàng?
Tác động trước tiên là EVFTA giúp nâng cao sức cạnh tranh của ngành ngân hàng nói chung và điều này chắc chắn có lợi cho người tiêu dùng, do đó có lợi cho nền kinh tế. EVFTA cũng đòi hỏi doanh nghiệp Việt minh bạch hơn, điều này cũng tốt cho ngân hàng. Trong dài hạn, những ngân hàng thắng thế sẽ là những ngân hàng ứng dụng số hóa sâu rộng, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ.
PV: Ông nhìn nhận thế nào về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh COVID-19 hiện nay?
Ông Nirukt Sapru (Giám đốc điều hành khu vực Asean và Đông Á của ngân hàng Standard Chartered).
Chúng tôi rất lạc quan về Việt Nam và trong dài hạn, chúng tôi coi Việt Nam là một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng luôn trên 7%. Đặc biệt, sau khi chứng kiến cách các bạn ứng phó với COVID-19, nhờ đó, Việt Nam có thể sớm mở cửa lại nền kinh tế nội địa. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là một nền kinh tế rất mở, nên trong bối cảnh chung kinh tế toàn cầu ảm đạm như vậy, cạnh tranh thu hút đầu tư sẽ càng khốc liệt hơn. Du lịch, xuất nhập khẩu cũng sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể trong ngắn hạn. Tùy thuộc khi nào dịch bệnh được thế giới khống chế, tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay dự báo có thể dao động mức1,7% - 3,2%.
PV: Việt Nam có thể tận dụng sự dịch chuyển dòng vốn FDI hậu COVID-19 như thế nào?
Việt Nam luôn là một cục nam châm hút vốn FDI và càng hấp dẫn hơn nhờ cách ứng phó với COVID-19. Tuy nhiên, như đã nói, trong bối cảnh dòng vốn hạn hẹp, cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, theo tôi, Việt Nam trước tiên cần trả lời được câu hỏi: Đâu là những điểm yếu cốt lõi của các quốc gia trong khu vực cũng đang hút vốn FDI? Có thể là chi phí, cơ sở hạ tầng, quyền sở hữu trí tuệ, vị trí địa chính trị... Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh quyền sở hữu trí tuệ cần được chú trọng hơn nữa tại Việt Nam.
Việt Nam là một cục nam châm hút vốn FDI. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Cùng với thu hút, việc chọn lọc FDI cũng quan trọng không kém, đặc biệt là khi Việt Nam rất nhạy cảm với biến đổi khí hậu. Việc chọn lựa được những ngành công nghệ cao theo định hướng tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam là vô cùng quan trọng.
PV: Ông có khuyến nghị gì để Việt Nam có thêm gia tốc cho nền kinh tế tại thời điểm này?
Thực sự không dễ, bởi để quay trở lại tốc độ tăng trưởng 7% phụ thuộc vào sự mở cửa trở lại của kinh tế toàn cầu. Hàng không cần hoạt động trở lại, du lịch cũng vậy. Nếu quốc gia nào cũng ứng phó đại dịch được như Việt Nam thì có lẽ đã có ít người thiệt mạng hơn và nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi tốt hơn. Chúng ta phải chờ tới khi có vaccine COVID-19 thì mọi thứ mới thực sự bắt đầu bình thường trở lại.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!