Kinh tế có dấu hiệu khởi sắc
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 đã có dấu hiệu tốt lên, đây là thông tin được đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng cho biết, do đẩy lùi được sớm dịch COVID-19 và tái khởi động nhanh nền kinh tế, nên hình ảnh, uy tín và tín nhiệm của Việt Nam đang tăng cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Tờ Tuổi trẻ đưa tin, tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết sản xuất công nghiệp dù tăng trưởng thấp. Song tháng 5 vừa qua vẫn tăng cao hơn nhiều so với tháng 4 trước đó. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết tình hình kinh tế xã hội tháng 5 đã có những tín hiệu tích cực hơn so với tháng 4 trước đó.
Đại gia công nghệ tiếp tục cập bến Việt Nam
Theo tờ Đầu tư, Panasonic đã bắt đầu di dời nhà máy từ Thái Lan chuyển sang sản xuất tại Việt Nam. Có thể nói rằng đây như là khởi đầu cho một "làn sóng mới", bởi cùng với Panasonic, rất có thể nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử Nhật Bản sẽ cập bến Việt Nam.
Panasonic đã bắt đầu di dời nhà máy từ Thái Lan chuyển sang sản xuất tại Việt Nam
Trong đó, hiện hãng trò chơi điện tử Nintendo và Công ty sản xuất xe cơ giới và máy móc xây dựng Komatsu đã chuyển một phần hoạt động sản xuất tại nước khác sang Việt Nam.
Ngoài các hãng Nhật Bản, thì một đối tác sản xuất linh kiện cho Apple cũng được cho là có dấu hiệu sẽ thiết lập nhà máy mới tại Việt Nam. Còn Google cũng sẽ đặt trước một số nhà máy sản xuất điện thoại tại Việt Nam. Dự kiến việc chuyển đổi xong vào cuối năm nay.
Cơ hội vàng cho bất động sản công nghiệp Việt Nam?
Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để trở thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới. Có thể thấy, thời gian qua, thị trường bất động sản nói chung chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thế nhưng theo nghiên cứu của Tập đoàn Đầu tư và Dịch vụ bất động sản CBRE, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố lớn ở Việt Nam đã tăng cao.
Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để trở thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới
Tờ Hà Nội mới dẫn nhận định của tập đoàn này cho biết có 3 yếu tố chính cho sự tăng trưởng này, đó là: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu dự kiến có hiệu lực trong tháng 7.
Yếu tố thứ hai chính là cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn. Nhiều tập đoàn đa quốc gia có chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng, để giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Và yếu tố thứ ba là việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Nhanh thì săn "đại bàng", chậm thì đón "chim sẻ"
Tuy nhiên có thực tế là Việt Nam chúng ta cũng đang trong 1 cuộc đua với nhiều nước khác trong khu vực để có thể đón nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Thời báo Ngân hàng phân tích, bên cạnh những lợi thế đã đề cập, thì cơ chế, thủ tục và nhiều yếu tố nội tại khác đang là điểm nghẽn. Nếu chúng ta không thay đổi thì cơ hội sẽ vụt đi.
Thời báo Ngân hàng dẫn lời thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - PGS.TS.Trần Đình Thiên: "Gần đây sự nóng lên của bất động sản công nghiệp tuy là dấu hiệu tốt cho một cơ hội đầu tư mới. Nhưng sự nóng lên này có thể là do đầu cơ, do các doah nghiệp FDI nhỏ lẻ vào. Điều này khiến cho các tập đoàn lớn vào sau có thể lại bị thiếu quỹ đất.
Năng lực đón sóng đầu tư của chúng ta nếu chưa được cải thiện thì sẽ dẫn đến hệ quả là phần "nguy" nhiều hơn "cơ", nghĩa là sẽ tạo ra những hệ lụy tiêu cực đối với nền kinh tế".
Việt Nam không phải "một mình một ngựa" trong cuộc đua đón sóng FDI chuyển dịch
Theo các chuyên gia, nếu chúng ta chậm, chuẩn bị không tốt sẽ không tìm được "đại bàng" chỉ đón được "chim sẻ". Nếu muốn săn "đại bàng", Việt nam cần tích cực trong chủ động chứ không phải là tích cực trong bị động. Tức là cần chủ động tăng tốc cùng với cải thiện chính mình và chủ động mới gọi họ vào Việt Nam chứ không đơn thuần là dọn chỗ, để họ nhìn thấy và tự đi vào.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!