Tăng trưởng kinh tế khu vực đồng euro có thể yếu hơn
Đồng Euro đang ở mức 1,052175 USD, giao dịch trong phạm vi hẹp trong giờ giao dịch châu Á nhưng gần với mức thấp nhất trong 2 năm là 1,03315 USD đạt được vào cuối tháng 11 khi các nhà giao dịch chuẩn bị cho một cuộc tính toán dài hơi dành cho Pháp.
Các nhà lập pháp Pháp đã thông qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ vào hôm qua, 4/12 - đúng như dự kiến, đẩy đất nước này vào cuộc khủng hoảng sâu hơn, đe dọa đến khả năng lập pháp và kiềm chế thâm hụt ngân sách khổng lồ.
Nhà kinh tế học Charlotte de Montpellier của ING cho biết, sự sụp đổ của chính phủ có nghĩa là tình trạng bất ổn chính trị sẽ kéo dài và tiếp tục gây ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng".
"Việc tìm ra một thủ tướng mới không phải đối mặt trực tiếp với động thái bất tín nhiệm sẽ là một nhiệm vụ rất khó khăn. Do đó, có khả năng Pháp sẽ không có chính phủ trong nhiều tuần, nếu không muốn nói là nhiều tháng", bà Charlotte de Montpellier nhấn mạnh.
Khi được hỏi liệu Ngân hàng Trung ương Châu Âu có can thiệp để giúp Pháp trong trường hợp thị trường biến động mạnh hơn hay không, chủ tịch ngân hàng trung ương Christine Lagarde chỉ nói rằng: "Sự ổn định tài chính là yếu tố quan trọng để ổn định giá cả".
Trong phiên điều trần của quốc hội hôm 4/12, bà Lagarde cho biết tăng trưởng kinh tế khu vực đồng Euro có thể yếu hơn trong những tháng tới và rủi ro suy giảm sẽ chi phối triển vọng trung hạn.
Đáng chú ý, các nhà giao dịch gần như chắc chắn ECB sẽ cắt giảm lãi suất vào tuần tới và dự kiến sẽ nới lỏng thêm 157 điểm cơ bản vào cuối năm 2025.
Won là đồng tiền châu Á có hiệu suất kém nhất trong năm 2024
Đồng Won đã giảm gần 9% so với đồng USD trong năm 2024. Ảnh: TL
Trước đó, đêm 3/12, tuyên bố của Tổng thống Yoon Suk Yeol về lệnh thiết quân luật trên toàn quốc đã đẩy thị trường tài chính rơi vào “hỗn loạn”. Đồng Won đã suy yếu mạnh qua đêm, trước khi Quốc hội Hàn Quốc họp khẩn, bỏ phiếu thông qua nghị quyết yêu cầu ông Yoon gỡ bỏ thiết quân luật và các cơ quan tài chính đã cam kết cung cấp "thanh khoản không giới hạn" cho thị trường nếu cần thiết.
Tại châu Á, đồng won Hàn Quốc ổn định khi Bộ tài chính nước này cho biết, chính phủ sẽ kích hoạt quỹ bình ổn thị trường trị giá 40 nghìn tỷ won (28,35 tỷ USD) sau sự hỗn loạn xảy ra khi Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố rồi hủy bỏ thiết quân luật.
Các nhà lập pháp Hàn Quốc đã đề xuất luận tội ông Yoon vì thảm họa đã làm rung chuyển thị trường toàn cầu. Đồng won vẫn ở mức thấp nhất trong hai năm so với đồng USD và là đồng tiền châu Á có hiệu suất kém nhất trong năm nay. Lần gần nhất là ở mức 1.414,41 đổi một USD.
Tính đến nay, đồng Won đã giảm gần 9% so với đồng USD trong năm 2024, trong khi chỉ số Kospi đã giảm khoảng 8%.
Mới đây, trao đổi với Bloomberg, Nhà quản lý tài chính hàng đầu Kim Byoung-hwan cho hay, chính phủ Hàn Quốc sẽ thực hiện "mọi biện pháp có thể" để đảm bảo sự ổn định của thị trường. Theo ông Kim Byoung-hwan, một quỹ ổn định thị trường chứng khoán, có trị giá 10 nghìn tỷ won đã sẵn sàng được triển khai ngay lập tức.
Kỳ vọng BOJ tăng lãi suất và bất ổn quốc tế đang hỗ trợ đồng Yên
Yên tăng giá nhẹ ở mức 150,345 yên đổi một USD khi các nhà giao dịch đang cân nhắc liệu Ngân hàng Nhật Bản có tăng lãi suất vào cuối tháng này hay không. Còn thị trường thì đang định giá 60% khả năng tăng lãi suất vào tháng 12. Có thể thấy, kỳ vọng BOJ tăng lãi suất và bất ổn quốc tế đang hỗ trợ đồng yên.
Lần gần nhất BoJ thực hiện 3 lần tăng lãi suất trong một năm là vào năm 1989. Lần tăng thứ ba trong năm đó diễn ra vào ngày Giáng sinh, chỉ bốn ngày trước khi chỉ số chứng khoán Nikkei 225 đạt đỉnh 38.957,44 điểm. Tổng mức tăng lãi suất trong năm 1989, từ 2,5% lên 4,25%, cùng với những cảnh báo của BoJ về tình trạng bong bóng tài sản, đã gây áp lực nặng nề lên nền kinh tế và góp phần làm giảm niềm tin quá mức của các nhà đầu tư. Sau động thái đó, chỉ số Nikkei 225 đã không thể quay trở về đỉnh cũ nói trên cho đến tận tháng 2 năm nay, tức 35 năm sau.
Bên cạnh đó, các sự kiện quốc tế như bất ổn chính trị tại Pháp, căng thẳng tại Hàn Quốc và xung đột ở Trung Đông đang gia tăng đã làm tăng nhu cầu đối với các tài sản an toàn như yên Nhật. Điều này có thể giúp đồng tiền này có thêm lợi thế trước USD trong tương lai gần.
Được biết, Thống đốc BoJ Kazuo Ueda có nhiều dữ liệu để củng cố khả năng tăng lãi suất vào tháng 12. Nếu vậy, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1989 (thời kỳ đỉnh điểm bong bóng tài sản của Nhật Bản) BoJ thực hiện ba lần thắt chặt chính sách tiền tệ trong một năm dương lịch. Thống đốc BoJ dường như đang quyết tâm cân nhắc các lựa chọn của mình cho đến phút cuối cùng trước khi đưa ra quyết định vào ngày 19/12. Ông sẽ xem xét kỹ lưỡng các số liệu sắp tới, bao gồm khảo sát Tankan của BoJ vào ngày 13/12, và theo dõi quyết định lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vài giờ trước khi BoJ ra quyết định.
Bên cạnh đó, trong một cuộc phỏng vấn cuối tuần qua, ông Ueda nhấn mạnh rằng BoJ sẽ tăng lãi suất nếu nền kinh tế diễn biến phù hợp với dự báo. Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều dự báo sẽ có đợt tăng lãi suất trước tháng 1/2025. Và phát ngôn của ông Ueda đã củng cố quan điểm này, khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn hai năm của Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 trong phiên 2/12./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!