Vào lúc 15h21 ngày 27/2 (giờ Việt Nam), đồng Ruble tăng 0,7% so với USD lên 75,58 ruble/USD và đã tăng 0,6% lên 79,86 Ruble/Euro. Đồng nội tệ Nga đã tăng 1,3% so với đồng NDT lên 10,83 Ruble/NDT.
Chỉ hơn một năm sau khi bùng phát xung đột Nga-Ukraine, đồng ruble đã trở lại mức trước khi xung đột bắt đầu xảy ra. Đồng tiền này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào tháng 3/2022 trước khi leo lên mức cao nhất trong nhiều năm vào mùa Hè năm ngoái, nhờ các biện pháp kiểm soát vốn, nhập khẩu giảm mạnh và doanh thu năng lượng tăng vọt.
Đồng Ruble đã giảm trong phiên 24/2, với việc thị trường chỉ mở cửa giao dịch hạn chế do Nga bước vào kỳ nghỉ lễ. Đồng tiền này đã giảm xuống 76,4875 Ruble/USD, mức thấp nhất kể từ ngày 22/4/2022.
Các nhà phân tích của Promsvyazbank nhận định đồng Ruble đang dần phục hồi vị thế. Nhu cầu đối với đồng nội tệ của Nga dự kiến sẽ gia tăng trước khi các khoản thanh toán thuế cuối tháng đến hạn vào ngày 28/2, khi các nhà xuất khẩu thường chuyển đổi doanh thu ngoại tệ của họ.
Sàn giao dịch Moskva ngày 27/2 cho biết họ sẽ bắt đầu các giao dịch tương lai của các cặp đồng Ruble với đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ và đôla Hong Kong (HKD) trên thị trường phái sinh từ ngày 1/3, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.
Nền kinh tế Nga đã chứng minh khả năng phục hồi một cách bất ngờ khi đối mặt với các biện pháp trừng phạt cứng rắn của phương Tây trong năm 2022, nhưng việc quay trở lại mức "thịnh vượng" trước căng thẳng có thể còn xa vì chi ngân sách phần lớn rót vào lĩnh vực quốc phòng.
Tuy nhiên, tình hình căng thẳng địa chính trị tiếp tục tác động tới đồng tiền của Nga, với việc các quốc gia phương Tây chuẩn bị áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Moscow do liên quan tới tình hình ở Ukraine.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!