Ngân hàng Trung ương Nga cho biết họ đã quyết định không mua ngoại tệ trên thị trường trong nước từ ngày 28/11 đến hết năm nay nhằm giảm sự biến động của thị trường tài chính.
Trong phiên giao dịch 27/11, theo dữ liệu của LSEG, đồng Ruble đã có thời điểm giảm 7,25% xuống 113,15 Ruble đổi 1 USD. Diễn biến này tiếp tục thúc đẩy lạm phát, vốn đang ở mức khoảng 8% mỗi năm. Ngân hàng trung ương ước tính rằng đồng Ruble cứ giảm 10% lạm phát tăng thêm 0,5 điểm phần trăm, có nghĩa là sự sụt giảm trong bốn tháng qua của đồng Ruble có thể làm lạm phát tăng thêm 1,5 điểm phần trăm.
Đồng Ruble cũng giảm xuống dưới mức 15 Ruble đổi 1 NDT, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022, sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine.
Đồng Ruble của Nga. (Ảnh: Getty Images)
Song song với việc tạm dừng mua USD, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục bán ngoại tệ nhằm bổ sung cho Quỹ tài sản quốc gia. Hiện tại, các giao dịch bán ngoại tệ đạt giá trị khoảng 8,4 tỷ ruble (tương đương 74 triệu USD) mỗi ngày. Tuy nhiên, các giao dịch mua USD bị trì hoãn này sẽ chỉ được thực hiện lại vào năm 2025, khi tình hình tài chính ổn định hơn.
Đây không phải lần đầu tiên Ngân hàng trung ương Nga sử dụng biện pháp này. Năm ngoái, cơ quan này cũng từng ngừng mua USD từ tháng Tám đến hết năm để ngăn chặn đồng ruble suy yếu sau các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.
Tuy nhiên, tình thế hiện tại có phần khác biệt. Lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhắm vào Gazprombank, ngân hàng lớn thứ ba của Nga và đóng vai trò chủ chốt trong xử lý thanh toán xuất khẩu năng lượng. Hạn chế này không chỉ khiến dòng tiền ngoại tệ khó đổ vào Nga mà còn làm phức tạp thêm các giao dịch thương mại quốc tế.
Các nhà phân tích của Ngân hàng PSB cho rằng quyết định nói trên sẽ "hỗ trợ đồng Ruble ở mức độ vừa phải, nhưng sẽ không đủ để đưa tỷ giá trở lại mức của tuần trước", và dự đoán thị trường sẽ vẫn còn biến động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!