Dòng tiền chứng khoán đang ở đâu?

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 30/07/2021 06:19 GMT+7

VTV.vn - Từ vùng 1.420 điểm, VN-Index có lúc mất tới hơn 14%. Thanh khoản từ hơn 30.000 tỷ đồng/phiên, giờ có lúc chỉ 11.000 - 12.000 tỷ đồng/phiên.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/7, VN-Index tăng 16,53 điểm (1,29%) lên 1.293,6 điểm. Thanh khoản thị trường cải thiện với tổng giá trị giao dịch đạt 19.400 tỷ đồng, trong đó giao dịch khớp lệnh chiếm 17.450 tỷ đồng, tăng 28% so với phiên trước.

Tuy nhiên, mức này vẫn là còn thấp so với mức trung bình 25.000 - 26.00 tỷ đồng tỷ đồng cách đây hơn 1 tháng. Vậy vì sao thanh khoản tụt áp, dòng tiền liệu đang chảy đi đâu?

Thị trường chứng khoán giai đoạn "đu đỉnh"

Theo dữ liệu thống kê của HoSE, thanh khoản thị trường trong tháng 7 đã giảm rất sâu so với thời điểm tháng 6 và giảm nhẹ so với tháng 5.

Thanh khoản tháng 7 giữ được mức như hiện tại nhờ những phiên đầu tháng 7 thị trường vẫn đang bứt phá theo đà của tháng 6. Còn hiện tại, giao dịch trên HoSE đã liên tục giảm dần và các phiên gần đây chỉ bằng khoảng 60 - 70% thanh khoản hồi đầu tháng.

Dòng tiền chứng khoán đang ở đâu? - Ảnh 1.

Thanh khoản thị trường trong tháng 7 đã giảm rất sâu so với thời điểm tháng 6. (Ảnh minh họa: NLĐ)

Đảo qua các room đầu tư trên mạng, có thể thẩy có 2 thái cực tâm lý phổ biến. Một là những người đã lỡ đu đỉnh 1.400, có người phải cắt margin hạ tỷ trọng khi thị trường giảm nhưng vẫn quyết bám trụ. Hai là những người đã "thoát hiểm" cầm tiền và giải ngân "nhỏ giọt".

Có người nhiều tiền, có người nhiều cổ phiếu nhưng điểm chung là chưa ai có ý định rời bỏ thị trường.

Bà Nguyễn Thị Phương Lam - Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán Rồng Việt cho hay: "Nhìn ở khía cạnh tiêu cực mình bảo bên mua họ không dám mua nhưng điểm tích cực là bên bán cũng không muốn bán. Cả hai đều đang trong trạng thái chờ đợi. Trong giai đoạn sắp tới tiến độ tiêm vaccine có thể tác động nhiều hơn tâm lý nhà đầu tư".

Theo các chuyên gia, thanh khoản trong những đợt bùng dịch COVID-19 về sau thường có trạng thái giảm dần so với trước. Điều này cho thấy các nhà đầu tư hiện có phần "chuyên nghiệp" hơn, không còn trạng thái hoảng loạn như đợt dịch đầu tiên và luôn chờ đợi cơ hội rõ ràng để "bắt đáy".

Động lực cho thanh khoản thị trường chứng khoán

Chưa rời bỏ thị trường vẫn đang nằm chờ đợi cơ hội rõ ràng để bắt đáy. Điều này lý giải vì sao Vn-Index đã có 4 phiên tăng điểm liên tiếp nhưng thanh khoản thị trường vẫn rất thấp.

Với người nắm giữ cổ phiếu, họ không dám chắc nỗ lực hồi phục của thị trường sẽ thành công khi 3 phiên liên tiếp cứ hồi phục thì lực bán chốt lãi lại trỗi dậy khiến thị trường chứng khoán không tạo ra được phiên tăng bứt phá nào.

Còn với người cầm tiền, họ chưa cảm nhận được một sự bứt phá đáng tin cậy để họ rót tiền đầu tư. Vậy liệu dòng tiền có chạy sang các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản hay trái phiếu doanh nghiệp?

Dòng tiền chứng khoán đang ở đâu? - Ảnh 2.

Tính đến cuối tháng 6, hơn 86.000 tỷ đồng vẫn đang nằm trong tài khoản của các nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán. Ảnh minh họa - Báo Đầu tư.

Theo nhận định của các chuyên gia, một nhà đầu tư chứng khoán giàu kinh nghiệm sau khi chốt lời đã chuyển tiền sang mua nhà đất. Tuy nhiên, do giao dịch bất động sản cần nhiều thủ tục và trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, giãn cách nên tỷ lệ này là thấp.

Còn trái phiếu, thống kê 6 tháng đầu năm, khối lượng phát hành ra công chúng là 15.375 tỷ đồng, nhưng con số này mới chỉ chiếm 8% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành. Còn phần lớn vẫn phát hành cho các ngân hàng thương mại.

Số liệu từ VSD cho thấy, tính đến cuối tháng 6, hơn 86.000 tỷ đồng vẫn đang nằm trong tài khoản của các nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán. Con số này còn tăng thêm hơn khi dù trong dịch bệnh thì nửa đầu tháng 7 đã thêm hơn 50.700 tài khoản được mở mới, nâng số tài khoản hiện nay lên hơn 3,4 triêu tài khoản.

Theo các thành viên thị trường, việc Bộ Tài chính yêu cầu HOSE báo cáo về việc áp dụng lô 10 cổ phiếu trở lại để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư thì từ nay đến cuối năm có thể có thêm 600.000 tài khoản mở mới.

Thanh khoản sụt giảm một phần cũng được cho là các công ty chứng khoán căng margin. Tuy nhiên, SSI tăng vốn thêm 4.500 tỷ đồng, Chứng khoán Bản Việt tăng vốn thêm 1.600 tỷ đồng, VNDIRECT, HSC đều tăng vốn thêm hơn 2000 tỷ đồng.

Ước tính 14 công ty chứng khoán tăng vốn sẽ giúp thị trường có thêm dư địa margin khoảng 15.000 tỷ đồng. Chưa kể nhiều công ty chứng khoán còn tìm thêm dòng vốn từ các đối tác ngoại.

Bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung tâm phân tích và Tư vấn đầu tư công ty chứng khoán SSI cho hay: "SSI vừa ký hợp đồng vay vốn tín chấp với hạn mức 100 triệu USD từ nhóm các ngân hàng hàng đầu Đài Loan (Trung Quốc). Từ đó giúp công ty mở rộng các sản phẩm tài chính của mình tới khách hàng và làm tăng lợi ích của cổ đông".

Dòng tiền chứng khoán đang ở đâu? - Ảnh 3.

Nếu dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát, VN-Index với ngưỡng hỗ trợ 1260 sẽ hướng lại các vùng đỉnh cũ và chinh phục được mốc 1.450 - 1.500 vào cuối năm. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Ngoài ra, để khơi thông thanh khoản trong bối cảnh thị trường có những biến động do tâm lý nhà đầu tư, theo các thành viên thị trường cần tăng tỷ trọng giao dịch các sản phẩm ETF như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) hay Thái Lan đang áp dụng.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam cho biết: "Số lượng ETF đang niêm yết trên thị trường còn khá khiêm tốn. Đầu tiên chúng ta cần thanh lọc thêm nhiều chỉ số, từ đó phát hành thêm các quỹ ETF. Ngoài ra có thể khuyến khích bằng cách miễn các phí giao dịch cho nhà đầu tư khi đầu tư vào các quỹ ETF".

Để thực sự khơi thông được thanh khoản, ngoài các yếu tố ở trên, cần khơi thông được tâm lý nhà đầu tư. Dòng tiền của nhà đầu tư dường như đang rất nhạy cảm với diễn biến của dịch bệnh.

Kịch bản tích cực là dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát, VN-Index với ngưỡng hỗ trợ 1.260 sẽ hướng lại các vùng đỉnh cũ và chinh phục được mốc 1.450 - 1.500 vào cuối năm. Còn nếu dịch bệnh kéo dài hơn, các các mức đỉnh sẽ là kháng cự mạnh.

Với việc doanh thu thuần quý II/2021 của 347 doanh nghiệp tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi LNST duy trì tăng cao hơn 86,2% phần lớn nhờ biên lợi nhuận cải thiện tại các ngành hưởng lợi từ giá cả hàng hóa tăng cao thì P/E toàn thị trường năm 2021 về mức hơn 15 lần.

Nếu thanh khoản của thị trường được kích hoạt của những dòng tiền lớn có thể sẽ có những phiên 30.000 tỷ thậm chí 40.000 - 50.000 tỷ đồng trong năm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước