Dòng vốn toàn cầu dịch chuyển ra sao sau 3 quý đầu năm 2023?

P.V-Thứ ba, ngày 24/10/2023 22:16 GMT+7

VTV.vn - Sau 3 quý đầu năm 2023, các yếu tố kinh tế toàn cầu đã tích cực dần lên.

Những yếu tố như lãi suất, lạm phát đều đã hạ nhiệt giúp giới đầu tư kỳ vọng những nền kinh tế đầu tàu thế giới, như nền kinh tế Mỹ sẽ có thể "hạ cánh mềm". Và dòng tiền bắt đầu đổ vào các quỹ cổ phiếu trên toàn cầu nhiều hơn, thay vì động thái bán ròng kéo dài như trước đây. 

Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, các chuyên gia cho rằng, việc Việt Nam đang là điểm sáng tăng trưởng kinh tế trên thế giới, cũng như việc thực hiện nâng tầm mối quan hệ với các quốc gia lớn trong thời gian gần đây, sẽ thúc đẩy dòng vốn ngoại vào Việt Nam, qua đó thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.

Dòng vốn toàn cầu dịch chuyển ra sao sau 3 quý đầu năm 2023? - Ảnh 1.

BTV Mùi Khánh Ly: Như các ông cũng đã thấy, câu chuyện hồi đầu năm 2023 là dòng vốn toàn cầu rút ra khỏi các thị trường do môi trường lãi suất tăng cao ở Mỹ cùng những rủi ro khác… nhưng đến thời điểm hiện tại, dòng vốn này đang ra sao, thưa hai ông?

Ông Trần Anh Tuấn, CFA, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI): Đúng là dòng vốn toàn cầu có sự biến động rất mạnh từ đầu 2022 khi FED bắt đầu nâng lãi suất. Chúng tôi tính ra rằng, trên toàn cầu lượng tiền rút ra mạnh từ thị trường mới nổi và thị trường cận biên về thị trường Mỹ. Ví dụ như thị trường Trung Quốc, tính từ tháng 1/2022 đến tháng 6/2023 thì đã bị rút đâu đó khoảng 188 tỷ USD. Ở Việt Nam, cũng trong khoảng thời gian đó, chúng ta bị rút ròng khoảng 2 tỷ USD. Con số này tuy không quá lớn nhưng thể hiện xu hướng rút ròng toàn cầu lúc đó, nhưng đến tháng 6/2023 thì lượng tiền đã bắt đầu quay trở lại với thị trường cận biên, thị trường mới nổi. Đặc biệt ở Việt Nam từ tháng 6/2023, một số quỹ, đặc biệt là quỹ ETF đã bắt đầu có lượng hút dòng tiền về Việt Nam.

Ông Bùi Văn Cường, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Công nghệ, Công ty CP DATX Việt Nam: Theo thống kê dữ liệu được thu thập tự động của DATX, các con số tuyệt đối cho thấy xu hướng dòng vốn toàn cầu rút dòng là do mặt bằng lãi suất ở các thị trường phát triển, đặc biệt là Mỹ, neo ở mức cao, cũng như mức lợi nhuận ở thị trường Mỹ là vượt trội (12.5% so với 4.5% của phần còn lại), dòng tiền có xu hướng dịch chuyển từ các thị trường mới nổi (emerging market) sang thị trường phát triển (developed market). Việt Nam không ngoại lệ khi xuất hiện sự rút ròng của các quỹ ETF trong vài tháng trở lại đây, trước áp lực tỷ giá tăng cao.

Thế nhưng tốc độ rút tiền của ETF khỏi Việt Nam đã đạt đỉnh trong tháng 8/2023 (rút ròng 190 triệu USD) và có dấu hiệu hạ nhiệt trong tháng 9 (chỉ rút ròng 88 triệu USD). Lũy kế 9 tháng 2023, ETF vẫn hút ròng 95 triệu USD.

Ở mặt khác, dòng tiền từ các quỹ chủ động chưa bị rút ròng mạnh như các quỹ ETF. Tháng 9 quỹ chủ động rút ròng 18 triệu USD, lũy kế 9 tháng 2023 quỹ chủ động vẫn hút ròng 167 triệu USD. Lý do là dòng tiền từ quỹ chủ động có xu hướng dài hạn, và phụ thuộc nhiều vào định giá và triển vọng của thị trường.

BTV Mùi Khánh Ly: Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại các yếu tố đã cải thiện đáng kể như lãi suất cũng đã bớt căng thẳng khi FED tạm dừng tăng lãi suất, lạm phát giảm, kinh tế thế giới được dự báo sẽ "hạ cánh mềm" thay vì lo ngại khủng hoảng kinh tế như hồi đầu năm, thì liệu dòng vốn toàn cầu có chuyển hướng đi mới?

Dòng vốn toàn cầu dịch chuyển ra sao sau 3 quý đầu năm 2023? - Ảnh 2.

Ông Bùi Văn Cường, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Công nghệ, Công ty CP DATX Việt Nam: Với dòng tiền ETF, các biến số vĩ mô như tỷ giá là rất quan trọng để đánh giá xu hướng rút ròng đã thực sự đạt đỉnh và quay đầu, hay chỉ là điều chỉnh và khả năng vẫn rút ròng tiếp hay không? Với dòng tiền từ quỹ chủ động có xu hướng dài hạn, và phụ thuộc nhiều vào định giá và triển vọng của thị trường, thì các biến số liên quan đến sự phục hồi của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng hơn.
Với model vĩ mô của DATX, chúng tôi dự đoán nền kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung có thể đã tạo đáy cuối quý 2/2023 vừa rồi hoặc sẽ tạo đáy vào quý 1/2024 và bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới trong 3 đến 5 năm sau đó, do vậy trong dài hạn, tôi đánh giá dòng tiền sẽ tích cực đi vào các thị trường, đặc biệt là các thị trường mới nổi.

Ông Trần Anh Tuấn, CFA, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI): Chúng tôi cũng dựa trên rất nhiều những nghiên cứu, thống kê của các đơn vị nghiên cứu lớn trên toàn thế giới thì chu kỳ mới về dòng tiền đã diễn ra và tiếp tục diễn ra, tức là khi lãi suất của FED đã ở vùng đỉnh rồi thì dòng tiền sẽ theo xu hướng tìm các thị trường có sự tăng trưởng tốt, đặc biệt là các thị trường cận biên như Việt Nam chẳng hạn để họ có thể phân bổ một phần dòng tiền vào để có một mức lãi suất cao hơn thị trường Mỹ. Và với những gì chúng tôi nghiên cứu từ những thông số từ World Bank và IMF thì hiện tại dòng tiền đấy đã được phân bổ dần dần vào một số nước, ví dụ như Trung Quốc giai đoạn mấy tháng gần đây. Những dòng tiền bắt đầu quay trở lại thị trường chứng khoán, bất động sản của nước này khi mà hiện Trung Quốc có các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản.
Hiện tại, ở Việt Nam, các chính sách của Nhà nước cũng đã hỗ trợ rất tốt. Sắp tới, Chính phủ cũng rất quyết liệt trong việc đưa thị trường Việt Nam nâng hạng và điều này sẽ thu hút được dòng tiền từ nước ngoài rất lớn.

BTV Mùi Khánh Ly: Tại Việt Nam thì khối ngoại đã trong xu hướng bán ròng là chủ đạo trong 2 năm qua, bất chấp có những giai đoạn thị trường tăng trưởng tốt. Theo các ông là vì sao?

Ông Bùi Văn Cường, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Công nghệ, Công ty CP DATX Việt Nam: Như đã tôi đã trao đổi, một xu hướng lớn trong thời gian gần đây là tiền đầu tư bị rút ròng từ thị trường mới nổi và quay trở về thị trường phát triển. Tuy nhiên, theo model đánh giá dòng tiền ngoại của chúng tôi, dòng tiền này bắt đầu bớt tiêu cực từ tháng 6/2022 và chính thức đóng góp tích cực lên thị trường từ ngày 21/10/2022 đến nay và trên hệ thống dữ liệu của DATX, dòng tiền này vẫn duy trì tích cực. Sở dĩ như vậy là vì VN Index đã về vùng đáy định giá và điều này đã thúc đẩy giá trị giao dịch lên đến 1 tỷ USD từ khối ngoại chỉ trong hai tháng, tháng 11 và 12/2022. Nghĩa là, khi có định giá thấp, dòng tiền thế giới vẫn chọn Việt Nam. Đây cũng là xu hướng chung của các quỹ tại các thị trường khác, ví dụ như tại Australia, dòng tiền này tăng từ mức 350 tỷ AUD đến 400 tỷ AUD cũng trong giai đoạn trên.

Một ví dụ nữa từ mặt dữ liệu của chúng tôi có được, đó là nếu xét về mức rút ròng, thì so với các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia, trong 3 năm trở lại, mức rút ròng của Việt Nam là cực kỳ thấp. Thái Lan thậm chí đã bị rút ròng gần 4 tỷ USD từ 2020 trở lại đây.

Dòng vốn toàn cầu dịch chuyển ra sao sau 3 quý đầu năm 2023? - Ảnh 3.

Ông Trần Anh Tuấn, CFA, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI): Vâng như anh Cường đã vừa trao đổi, tôi cũng xin bổ sung thêm một số thông tin. Đúng là thị trường Việt Nam bị rút ròng trong 3 năm gần đây nhưng thực ra là hai giai đoạn khác hẳn nhau. Năm 2021 khi thị trường Việt Nam tăng rất tốt thì lượng bán ròng nhà đầu tư nước ngoài đã chốt lời. Sau đó đến 2022 khi chính sách của FED bắt đầu nâng lãi suất lên thì đó lại là một chu kỳ mới là các nhà đầu tư bắt đầu rút ròng. Đây là xu hướng chung của toàn cầu, tức là họ rút tiền từ các thị trường mới nổi, thị trường cận biên.
Chúng tôi đánh giá đây là một xu hướng bình thường trên toàn cầu và Việt Nam đã bị các nhà đầu tư nước ngoài rút trước khi chu kỳ của FED nâng lãi suất nên là khả năng sắp tới, dòng tiền về Việt Nam sớm hơn các quốc gia khác.

BTV Mùi Khánh Ly: Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng là các nhà đầu tư cá nhân trong nước đang chiếm số đông nên sẽ đóng vai trò chủ đạo trên thị trường, còn dòng tiền ngoại tuy vắng bóng nhưng cũng không tạo sự ảnh hưởng nhiều, ý kiến của các ông thì sao?

Ông Bùi Văn Cường, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Công nghệ, Công ty CP DATX Việt Nam: Chúng tôi nghĩ rằng trong ngắn hạn thì nhận định này có tính hợp lý do hiện nay giao dịch khối ngoại trên thị trường chỉ chiếm 7-8%, không đáng kể so với các nhà đầu tư trong nước, chiếm đến hơn 90%. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, dòng vốn ngoại gần như 100% là từ nhà đầu tư tổ chức. NĐT tổ chức khác cá nhân là họ suy nghĩ và hành động dựa theo lý trí hơn là cảm xúc.
Về dài hạn, việc giải ngân quyết liệt tại vùng định giá hấp dẫn thường đến từ nhà đầu tư tổ chức nhiều hơn là nhà đầu tư cá nhân. Do đó, dù hiện tại lượng giao dịch của khối ngoại tuy nhỏ, nhưng vẫn mang tính tham khảo cao về độ hấp dẫn của thị trường trong dài hạn. Cụ thể trên hệ thống DATX như đã đề cập ở trên, với dòng vốn ngoại mang tính tích cực từ cuối tháng 10/2022, chỉ số VN Index đã tăng đến 30% kể từ đó, đây là một ví dụ rất cụ thể để các nhà đầu tư cá nhân có thể tham khảo.

Ông Trần Anh Tuấn, CFA, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI): Theo tôi, dòng vốn ngoại thực sự là không mấy tác động trong ngắn hạn nhưng về dài hạn, họ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường. Tôi lấy ví dụ là hiện tại rất nhiều quốc gia vừa rồi vừa được nâng hạ thì dòng vốn nước ngoài vào thị trường họ, làm cho thị trường thay đổi toàn bộ chất lượng của thị trường và thu hút thêm các dòng vốn nước ngoài khác. Có nhiều nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy rằng nếu Việt Nam được nâng hạng thì dòng vốn nước ngoài năm đầu tiên sẽ vào Việt Nam đâu đó khoảng từ 3,5 - 4 tỷ USD là ít nhất.

BTV Mùi Khánh Ly: Vậy thì liệu rằng trong thời gian tới, dòng tiền ngoại có chuyển hướng vào thị trường Việt Nam hay không, thưa hai ông?

Ông Bùi Văn Cường, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Công nghệ, Công ty CP DATX Việt Nam: Từ mô hình vĩ mô phát triển của chúng tôi dự đoán, đáy của các nền kinh tế sẽ đâu đó quý I/2024, thậm chí đã có thể tạo đáy cuối quý II/2023 vừa rồi, và đây cũng đánh dấu bước ngoặt của chu kỳ vĩ mô, với một giai đoạn dài cho việc thúc đẩy tăng trưởng không chỉ ở Việt Nam mà cả các thị trường mới nổi khác và các thị trường phát triển.

Trong giai đoạn này, nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng trong một khoảng thời gian thường ước tính theo 3-5 năm, được thúc đẩy bởi tăng trưởng doanh nghiệp, và do đó tăng mức định giá hấp dẫn. Đó là lúc các quỹ chủ động bắt đầu xu hướng giải ngân mới. Do vậy nhìn về trung và dài hạn, chúng tôi dự đoán dòng tiền ngoại sẽ đổ vào Việt Nam trong 3 đến 5 năm tới. Một ví dụ cụ thể được đề cập trong 1 báo cáo gần đây của SPDR, các quỹ ETF đang tìm kiếm tăng trưởng nhiều hơn bằng cách thu hút vốn vào thị trường và rút bớt từ trái phiếu.

Ông Trần Anh Tuấn, CFA, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI): Tôi thấy rằng dòng vốn mà Việt Nam sắp tới có rất nhiều triển vọng, điều này đến từ 4 ý sau. Đầu tiên là về mặt kinh tế vĩ mô cũng như chính sách của Chính phủ đều rất khuyến khích việc kinh tế phát triển ổn định. Tỷ giá hiện tại đang rất ổn, VND là một đồng tiền mất giá ít trong khu vực và điều đó đảm bảo cho nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận tốt về thị trường Việt Nam. Thứ hai đó chính là việc Chính phủ quyết liệt về việc nâng hạng thị trường chứng khoán. Thứ ba là Uỷ ban Chứng khoán, các Sở Giao dịch quyết tâm đưa vào vận hành hệ thống giao dịch KRX sớm hoạt động, điều này sẽ thu hút được nhiều sản phẩm hỗ trợ các nhà đầu tư. Thứ tư là hiện tại, các doanh nghiệp đang được định giá tương đối rẻ ở Việt Nam với P/E tương đối thấp. Nếu chúng ta tính trên toàn khu vực, các nước cận biên và đang phát triển, hiện tại P/E của MSCI ở khu vực đang phát triển là chỉ có 13 lần, so với toàn cầu là 17 lần thì khá là hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các thị trường cận biên, thị trường mới nổi, đặc biệt là Việt Nam.

BTV Mùi Khánh Ly: Vậy còn đối với các nhà đầu tư thì nên có lưu ý như thế nào về dòng tiền ngoại?

Ông Trần Anh Tuấn, CFA, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI): Dòng tiền nước ngoài về mặt xu hướng sẽ tiếp tục vào Việt Nam. Hiện tại nhà đầu tư cá nhân có thể lựa chọn các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt ở những ngành tăng trưởng khi mà chúng ta đón dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tôi lấy ví dụ những ngành như bất động sản khu công nghiệp, những ngành về xuất khẩu, những ngành về sản xuất công nghệ cao.
Giai đoạn vừa rồi chúng ta thấy Chính phủ Việt Nam cũng đã ký rất nhiều văn bản hợp tác với nhiều quốc gia lớn trên thế giới và chúng ta đã mở ra một thị trường cực kỳ lớn và tiềm năng cho doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới cũng như thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, coi Việt Nam như một điểm trung chuyển sản xuất lớn ở khu vực Đông Nam Á và thậm chí của châu Á. Điều đó sẽ sẽ giúp cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng và gián tiếp thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng.

Ông Bùi Văn Cường, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Công nghệ, Công ty CP DATX Việt Nam: Với việc tiên phong trong lĩnh vực dữ liệu lớn và AI, một trong các nền tảng xây nên Xwealth của chúng tôi là các model phân tích chu kỳ vĩ mô, ngành và định giá, ở đó dòng tiền là một trong những cấu thành quan trọng của các model này. Các dữ liệu sau khi được thu thập từ các báo cáo, nghiên cứu, đã được hệ thống AI của chúng tôi phân tích, đánh giá ảnh hưởng. Và dữ liệu đã chỉ ra, dòng vốn ngoại sẽ duy trì tích cực trong 3 - 5 năm tới, do vậy với mục tiêu đầu tư trung và dài hạn là tích cực.

Ngoài ra, chúng tôi hiện đang có nhiều giải pháp giúp nhà đầu tư có thể nắm được thông tin sâu rộng cả trong nước lẫn nước ngoài để từ đó ra quyết định đầu tư cho hiệu quả như Xwealth đánh giá trạng thái của thị trường, giúp nhà đầu tư nhận biết sớm rủi ro hệ thống cũng như đánh giá xếp hạng ngành và cổ phiếu cho nhà đầu tư với sự trợ giúp của AI.

BTV Mùi Khánh Ly: Xin cảm ơn hai ông về những thông tin vừa rồi!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước