Đây là lần đầu tiên đồng nội tệ của Nhật Bản mất giá mạnh như vậy so với đồng bạc xanh của Mỹ kể từ tháng 4/2002.
Đồng Yen Nhật. (Ảnh: Bloomberg)
Trước đó, Hội đồng Chính sách BOJ đã kết thúc phiên họp thường kỳ tháng 4 với quyết định nâng dự báo lạm phát của nước này trong tài khóa 2022 từ 1,1% lên 1,9%, nhưng vẫn giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức - 0,1% và lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%, nhằm hỗ trợ đà phục hồi sau đại dịch.
Điều này khiến cho các nhà đầu tư lo ngại rằng khoảng cách về lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ sẽ tiếp tục nới rộng nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất trong phiên họp sắp tới, dẫn tới việc bán tháo đồng Yen.
Từ đầu tháng 3 tới nay, đồng Yen đã liên tục giảm giá so với đồng bạc xanh của Mỹ. Việc đồng Yen giảm giá có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản, bởi vì nó làm tăng lợi nhuận thu được từ hoạt động xuất khẩu khi quy đổi ra đồng Yen và làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Nhật Bản trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, điều này cũng khiến giá cả hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, trong khi Nhật Bản vẫn phải nhập khẩu năng lượng và nhiều nguyên liệu khác.
Giá cả năng lượng và nhiều nguyên liệu đã tăng cao sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ở Nhật Bản phải đối mặt với cú sốc kép về giá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!