Các dự án đường sắt đô thị được nghiên cứu và phát triển từ hơn 20 năm trước, tuy nhiên quá trình thực hiện rất chậm. Có nhiều nguyên nhân cho việc chậm trễ này. Như chi phí đầu tư mới chỉ đạt khoảng 20% so với nhu cầu; mất nhiều thời gian xây dựng quy trình và duyệt quy trình dự án. Những vấn đề này đòi hỏi phải có sự thay đổi trong triển khai thực hiện. Thậm chí là những chính sách đột phá để hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch.
4 km đi ngầm của tuyến đường sắt số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội vẫn đang thi công dù dự án đã được khởi động từ 14 năm trước. Theo kế hoạch sau điều chỉnh, phải đến năm 2027 mới xong toàn tuyến. Như vậy cần đến 17 năm để xong một tuyến đường sắt đô thị có cả đoạn ngầm và đi trên cao, dù kế hoạch ban đầu chỉ là 5 năm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu biết rút kinh nghiệm từ những tuyến đường sắt đô thị đã triển khai, Hà Nội vẫn có thể hoàn thành 10 tuyến đường sắt đô thị cùng với 3 tuyến đường sắt một ray- monorail còn lại theo quy hoạch.
Ông Đặng Huy Đông - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển cho biết: "Nếu chúng ta thay đổi mô hình quản lý đầu tư xây dựng cơ bản theo nguyên tắc là kiểm soát chi phí đầu vào và kiểm soát trình tự thủ tục sang mô hình kiểm soát kết quả đầu ra, lấy kết quả là đích cuối cùng, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu có được 200 km hệ thống đường sắt công cộng đô thị sau khoảng 10-12 năm".
TS. Nguyễn Xuân Thủy - Chuyên gia giao thông nhận định: "Vốn đầu tư phải phù hợp, tuyến nào làm trước, tuyến nào làm sau, làm đến đâu, công nghệ gì… phải lưu ý. Thứ ba, phải kiểm tra, giám sát thường xuyên. Thứ tư, giải phóng mặt bằng phải làm trước 1-2 năm thì mới đảm bảo tiến độ được".
Luật Thủ đô cũng đang được dự thảo, sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho phát triển đường sắt đô thị.
Theo đó, Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng TOD, trong đó có phát triển các tuyến đường sắt đô thị. Được điều chỉnh chức năng sử dụng cho các khu đất trong khu vực đô thị TOD để khai thác quỹ đất và khai thác giá trị tăng thêm từ đất.
Ông Nguyễn Bá Sơn - Phó Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) nêu ý kiến: "Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi nếu được thông qua chắc chắn tạo ra bước chuyển biến lớn. Hà Nội chắc chắn được trao nhiều quyền hơn, sẽ chủ động hơn, linh hoạt hơn trong quyết định đầu tư, thu hút nguồn lực để thực hiện các dự án đường sắt đô thị đó".
Từ thành công của tuyến đường sắt đô thị đầu tiên, Hà Nội đang tập trung mọi nguồn lực, hướng tới mục tiêu, hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị Thủ đô theo quy hoạch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!