Dự án 500 kV mạch 3: "Chiến dịch" thần tốc với nhiều kỷ lục

Quốc Anh - Trung Hậu-Thứ sáu, ngày 30/08/2024 15:54 GMT+7

VTV.vn - Dự án đường dây 500 kV mạch 3 đã hoàn thành chỉ sau hơn 6 tháng thi công thần tốc. Đây là dự án trọng điểm quốc gia có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Thách thức và chông gai

Theo Quy hoạch điện VIII, giai đoạn 2021 - 2030, điện thương phẩm Bắc Bộ được dự báo tiếp tục tăng trưởng cao, khoảng 8,8% mỗi năm. Tuy nhiên thực tế cho thấy, miền Bắc vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện. Để bổ sung nguồn điện cho phát triển kinh tế - xã hội cho miền Bắc, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu khẩn trương xây dựng đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch, Quảng Bình đến Phố Nối, Hưng Yên. Dự án sẽ giúp tăng công suất truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc, đảm bảo đủ điện cho đời sống sinh hoạt của người dân cũng như phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với nguồn điện ổn định.

Tuy nhiên, dự án đường dây 500 kV mạch 3 đã đứng trước nhiều thách thức lớn, đe dọa tới mục tiêu đặt ra. Tại thời điểm dự án bắt đầu thi công, nhiều người còn khẳng định là không thể hoàn thành, đặc biệt là về thời gian đó là chưa kể đến hồ sơ, thủ tục, giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu, điều kiện thi công, yếu tố thời tiết. Thông thường những dự án có quy mô lớn và phức tạp nhanh cũng phải mất ít nhất 3 năm mới hoàn thành, thì nay theo yêu cầu của Thủ tướng chính phủ, chỉ hoàn thành hơn 6 tháng, nghĩa là bằng 1/6 dự án thông thường.

Ông Phạm Hồng Phương - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam chia sẻ: "Ở giai đoạn ban đầu triển khai thì rất nhiều người trong chúng tôi cảm thấy và hình dung là sẽ rất khó trở thành hiện thực".

Dự án 500 kV mạch 3: Chiến dịch thần tốc với nhiều kỷ lục - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, đốc thúc dự án đường dây tải điện 500 kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình)-Phố Nối (Hưng Yên) đoạn đi qua địa phận Quảng Bình, ngày 2/6/2024. Ảnh: VGP.

Chỉ bàn làm, không bàn lùi

Ngày 28/1/2024, Thủ tướng họp lần đầu với các bộ, ngành, địa phương tại Thanh Hóa, tiến độ bàn giao mặt bằng còn rất chậm nhưng sau cuộc họp các địa phương đã vào cuộc quyết liệt.

"Chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", làm việc "3 ca, 4 kíp", làm xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển của đất nước - đó là tinh thần quyết liệt mà người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị, địa phương phải phát huy cao độ, trước những khó khăn thách thức, để có thể hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 đúng mục tiêu đề ra. Trong đó nhấn mạnh tinh thần 3 cùng, đó là cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng chia sẻ nhận thức và hành động, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển.

"Đây là dự án trọng điểm quốc gia, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các bộ, ngành có liên quan và hệ thống chính trị của các tỉnh có đường dây đi qua, rồi người dân. Đòi hỏi phải phối hợp chặt chẽ để giải quyết những vướng mắc, khó khăn và đặc biệt chúng ta phải đổi mới cách làm. Nếu trước đây chỉ có chủ đầu tư thôi, thì bây giờ các địa phương vào cuộc, cùng nhau bàn bạc, cùng nhau làm. Đây là nhiệm vụ chung, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết. Đây là một áp lực rất lớn, với một khối lượng lớn, đi qua nhiều địa phương. Chúng ta phải làm bằng được để góp phần cung cấp đầy đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng và kinh doanh", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Dự án 500 kV mạch 3: Chiến dịch thần tốc với nhiều kỷ lục - Ảnh 2.

Đường dây 500 kV mạch 3 đoạn qua tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: VGP.

Lãnh đạo cao nhất của Chính phủ đã đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị phải xác định việc triển khai dự án này như một "chiến dịch", tất cả phải cùng vào cuộc, với những nhiệm vụ cụ thể được giao. Thủ tướng yêu cầu các địa phương khẩn trương bàn giao mặt bằng; bảo đảm an ninh, trật tự; đền bù đúng pháp luật cho người dân đã nhường đất cho dự án; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo phong trào, xu thế để người dân ủng hộ, hiến kế, tích cực tham gia, hỗ trợ các lực lượng thi công.

Tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đã lan tỏa tới từng địa phương có dự án đi qua, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư và các đơn vị thi công trong quá trình thực hiện dự án.

Từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì 6 cuộc họp, ban hành nhiều Công điện, Chỉ thị để tháo gỡ vướng mắc cho dự án, đi kiểm tra thực tế 3 lần để đôn đốc, động viên các lực lượng thi công.

Việc thi công dự án nhiều thời điểm đứng trước nguy cơ chậm tiến độ do vướng cơ chế. Trong đó có quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và thủ tục tác động vào rừng để mở đường thi công tạm. Nghị định 27 của Chính phủ có hiệu lực thi hành nhanh kỷ lục đã ngay lập tức tháo gỡ những điểm nghẽn về tạm sử dụng rừng phục vụ thi công dự án, nhờ đó đại công trường lại tiếp tục rộn ràng khí thế.

Dự án 500 kV mạch 3: Chiến dịch thần tốc với nhiều kỷ lục - Ảnh 3.

Thủ tướng kiểm tra tiến độ thi công Trạm biến áp 500 kV Thanh Hóa ở xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa ngày 22/6/2024 - Ảnh: VGP

Thần tốc triển khai

Chỉ trong vòng 3 tháng mọi thủ tục đầu tư đã hoàn thiện, trở thành dự án đạt kỷ lục về hoàn thiện thủ tục đầu tư với thời gian ngắn nhất của ngành điện từ trước tới nay.

Ngày 18/1/2024, dưới sự chỉ đạo của Tập đoàn điện lực Việt Nam, chủ đầu tư dự án là Tổng công ty truyền tải điện quốc gia đã phối hợp với 9 địa phương có dự án đi qua, đã đồng loạt tiến hành động thổ toàn dự án.

Nhưng đến từ ngày 25/1, sau khi Thủ tướng Chính phủ đi kiểm tra, đôn đốc, động viên việc thực hiện dự án đường dây tải điện 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa thì chính thức khởi công toàn dự án. Một đại công trường đã bước đầu được hình thành với quyết tâm cao.

Song song với quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, nguồn vốn cho 4 dự án đã được thu xếp với việc tham gia của 5 ngân hàng thương mại trong nước, với tổng số tiền vay là 15.870 tỷ đồng, đảm bảo đủ vốn để triển khai các dự án.

Dự án 500 kV mạch 3: Chiến dịch thần tốc với nhiều kỷ lục - Ảnh 4.

Việc triển khai dự án đường dây 500 kV mới sẽ góp phần cung ứng điện cho miền Bắc. Ảnh: PLO.

Dự án có chiều dài 519 km, đi qua địa bàn 211 xã, phường của 43 huyện, thị xã thuộc 9 tỉnh là: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên.

Công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… đã đứng trước những khó khăn tưởng không thể vượt qua. Tuy nhiên, ngay trong tháng 1 năm nay, sau chuyến thị sát tại một số công trình, Thủ tướng chính phủ đã chủ trì hội nghị trực tuyến giải quyết các vướng mắc. Thủ tướng chỉ đạo phải phân công rõ trách nhiệm của bộ ngành, địa phương, chủ đầu tư, thúc đẩy tiến độ dự án, với tinh thần thần tốc, tăng tốc triển khai dự án, các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty cần thống nhất ý chí, cùng nhau hành động, "chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Giải phóng mặt bằng sớm là điều kiện then chốt, tạo thuận lợi rất lớn cho công tác tổ chức thi công. Có mặt bằng đến đâu là hoàn thành móng, cột đến đó. Tại 9 địa phương đường dây đi qua, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các tỉnh thường xuyên đến công trường để đôn đốc các huyện, xã đẩy nhanh tiến độ mặt bằng và xử lý tại chỗ các khó khăn có liên quan.

Với sự vào cuộc quyết liệt đó, toàn bộ vị trí móng đã được bàn giao cho nhà thầu thi công trong tháng 3 và toàn bộ hành lang tuyến đã được bàn giao trong tháng 5/2024 để các đơn vị tham gia dự án tăng tốc thi công.

Bà Hà Lan Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết: "Chúng tôi yêu cầu các huyện, xây dựng kế hoạch chi tiết, trong công tác giải phóng mặt bằng từng tuần, từng ngày. Bám sát vào kế hoạch này chúng tôi kiểm điểm, kiểm đếm tiến độ giải phóng mặt bằng, giúp rút ngắn được thời gian, đảm bảo theo tiến độ rất gấp".

"Theo cam kết với Thủ tướng Chính phủ, cũng như là Bộ Công Thương và Tập đoàn Điệ lực thì chúng tôi cam kết đến ngày 30/3 là chúng tôi sẽ bàn giao toàn bộ hành lang tuyến", ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá thông tin.

Dự án huy động tối đa lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư tại chỗ; Giao cho các chủ thể, doanh nghiệp ở địa phương những việc có thể tham gia, tạo không gian thi công, xây dựng đường hậu cần, đào hố móng, đúc móng theo thiết kế. Cách làm linh hoạt này đã đẩy mạnh vai trò của các địa phương tham gia vào dự án.

Ông Lê Thế Hạnh - Đại diện nhà thầu thi công dự án đường dây 500 kV mạch 3 cho hay: "Trong quá trình dựng cột, kéo dây để đảm bảo tiến độ và cho đến ngày hôm nay được hoàn thành, nhà thầu đã đón nhận được sự ủng hộ rất nhiều của người dân và đặc biệt là của chính quyền địa phương để phát tuyến hành lang, để đảm bảo bảo công tác thi công không bị dừng hoãn ngày nào".

Công trình không thể bàn giao mặt bằng nhanh nếu không nhận được sự ủng hộ của người dân các địa phương 9 tỉnh có dự án đi qua. Ít có dự án nào mà sự đồng thuận của người dân cao tới như vậy. Họ sẵn sàng nhường đất, nhường chỗ ở, nơi làm ăn, sinh kế cho dự án. Thậm chí, có những hộ gia đình chủ động tháo dỡ nhà cửa, di dời mồ mả cha ông, để dự án sớm đi vào triển khai…

"Khi công trình Nhà nước lớn mình là một công dân Việt Nam thì phải chấp hành. Mình chịu khổ, chị khó thôi", ông Dương Văn Tứ - thôn Phúc Lộc, xã Tân Dân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ.

Rời xa nơi chôn rau cắt rốn, đối với nhiều người không phải việc dễ dàng. Nhưng nhờ các ngành, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, việc kiểm đếm rõ ràng, minh bạch. Nên hầu hết người dân đều hiểu rõ tầm quan trọng của dự án, tích cực phối hợp trong việc kê khai, kiểm đếm, giải phóng mặt bằng. Thành công của dự án này chính là phát huy được sức mạnh từ nhân dân khi có tới gần 5.250 hộ gia đình, 96 tổ chức bị ảnh hưởng, trong đó có 167 hộ gia đình phải di dời tái định cư, tổng cộng người dân đã nhường 1,83 triệu m2 đất.

Ông Lê Trọng Ba - Thị trấn Hậu Hiền, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: "Đường dây đi qua nhà thì tôi di dời nhà trước, tôi phá nhà trước khoảng 2 tháng sau mới lấy tiền. Chưa cần tiền đền bù nhưng tôi phải tìm nơi để di chuyển nhà ra chỗ khác để cho công trình nhà nước được thuận buồm, được tốt đẹp".

Khối lượng thi công rất lớn

Dự án đường dây 500KV mạch 3 có khối lượng thi công rất lớn. Trong đó khối lượng đào đất là hơn 2,5 triệu m3, đổ hơn 705.000 m3 bê tông, gần 70.000 tấn cốt thép móng, 513 khoảng néo hành lang tuyến với chiều dài tuyến 519 km, kéo 26 sợi dây dẫn, dây chống sét, cáp quang với tổng gần 14.000 km.

Số lượng cột của đường dây 500 kV mạch 3 là khối lượng khổng lồ chưa từng có, lên tới 1.177 vị trí cột. Nếu như trước đây thi công gần 1.500km đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1( là mạch đơn) cần dựng 60.000 tấn cột thép và thi công trong 2 năm, thì đối với dự án này 519 km mạch kép tương đương hơn 1.000 km mạch đơn, phải dựng 139.00 tấn thép, gấp hơn 2 lần so với mạch 1 mà thời gian thi công chỉ hơn 6 tháng thần tốc.

Bà Trần Thị Thu Hiền - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thành Long cho biết: "Hiện tại công ty gang thép Thái nguyên chỉ sản xuất được thép góc đến 150, các loại thép khác mới gần đây mới có công ty Posco sản xuất, còn lại chúng ta phải nhập khẩu. Việc chậm vật tư đối với những vật tư trong nước không sản xuất được cũng là khó khăn với doanh nghiệp".

Dự án 500 kV mạch 3: Chiến dịch thần tốc với nhiều kỷ lục - Ảnh 5.

Tuy nhiên, xác định rõ tính chất cấp bách của dự án các nhà thầu tăng cường nhân lực, thực hiện gia công "3 ca 4 kíp, 24/7", làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ để hoàn thiện cung cấp cột thép.

Trong giai đoạn này, Thủ tướng Chính phủ đã 4 lần thị sát công trường và 5 lần chủ trì cuộc họp chuyên đề về dự án đường dây 500 kV. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Lãnh đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam và Tổng công ty truyền tải điện quốc gia cũng thường xuyên họp và kiểm tra đôn đốc công trường cũng như nhà thầu sản xuất cột thép, đồng thời cắt cử cán bộ chuyên trách cùng với đơn vị tư vấn thiết kế thường xuyên bám trực tại nhà máy, cũng như trực tiếp sang nước ngoài để đôn đốc sản xuất, đáp ứng tiến độ cho dự án.

Bộ Công Thương cùng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp 2 tuần 1 lần họp Ban Chỉ đạo để đôn đốc địa phương vào cuộc ủng hộ dự án. Với sự vào cuộc quyết liệt đó, toàn bộ vị trí móng đã được bàn giao cho nhà thầu thi công trong tháng 3/2024 và toàn bộ hành lang tuyến đã được bàn giao trong tháng 5/2024 để các đơn vị tham gia dự án tăng tốc thi công.

"Đây là giai đoạn nước rút yêu cầu về mặt kỹ thuật là rất cao. Tất nhiên, mình phải chạy đua theo thời gian để đạt được cái đích theo chỉ đạo của Thủ tướng nhưng mà yêu cầu về kỹ thuật vẫn phải đặt lên hàng đầu", ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương lưu ý.

Dự án 500 kV mạch 3: Chiến dịch thần tốc với nhiều kỷ lục - Ảnh 6.

Sự khốc liệt của thời tiết miền Trung "túi mưa, chảo lửa", không ngăn được ý chí kiên cường của các lực lượng xây dựng đường dây 500 kV. (Ảnh: EVNICT)

Thế nhưng, khó khăn chưa dùng ở đó. Dự án đi qua nhiều địa bàn 9 tỉnh. Nhiều vị trí, địa hình núi cao, dốc thẳng đứng. Nắng hè gió phơn Tây Nam hầm hập, càng trên cao càng nóng rát. Hết nắng nóng thiêu đốt trên 50 độ C, lại đối mặt những ngày mưa bão giông lốc gió giật mạnh kéo dài từ 3 đến 7 tiếng, mặt bằng sạt trượt nên nhiều thời điểm phải dừng thi công để đảm bảo an toàn cho người lao động và thiết bị công trình.

Trước những thách thức này, giải pháp "4 tại chỗ" bao gồm: Nhân lực tại chỗ, vật tư tại chỗ, máy móc, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ đã phát huy tác dụng, nhiều cách làm hiệu quả đã được đề ra. Sự khốc liệt của thời tiết miền Trung "túi mưa, chảo lửa", không ngăn được ý chí kiên cường của các lực lượng xây dựng đường dây 500 kV.

Đặc biệt, tuyến đường dây có 7 vị trí cột cao 145m, tương đương với tòa nhà 50 tầng và nặng tới gần 430 tấn. Đây là những cột vượt sông, vượt hồ, thi công gặp nhiều thách thức, đặc biệt trong thời gian mưa nhiều, gió lớn. Anh em công nhân phải ngâm mình hàng giờ dưới dòng song để kéo dây. Để tiết kiệm thời gian và đảm bảo tiến độ, nhiều công nhân tranh thủ ăn trưa ngay trên những cột điện cao trăm mét.

Dự án 500 kV mạch 3: Chiến dịch thần tốc với nhiều kỷ lục - Ảnh 7.

Thi công lắp dựng cột của Đường dây 500kV mạch 3. (Ảnh: EVNICT)

Tuyến đường dây có 49 khoảng néo vượt quốc lộ, cao tốc; 41 khoảng néo vượt sông và vượt hồ lớn; 295 vị trí thi công trên núi; 239 vị trí móng cọc ở vùng đồng ruộng, ao hồ, đầm lầy, địa chất yếu, nhiều vị trí cột cao tới 200m và nặng tới 300 tấn thép.

Ông Vũ Xuân Lưu - Chỉ huy trưởng gói thầu số 58, đường dây 500KV mạch 3 cho biết: "Đối với công trình mạch 3 này, chúng tôi đã tính toán tìm ra biện pháp tối ưu là dùng cẩu 400 tấn có độ vươn 158m để đáp ứng yêu cầu dựng cột cao 145m, qua đó rút ngắn thời gian đảm bảo tiến độ thi công".

Các phong trào thi đua cho công trường mạch 3 tạo ra một khí thế hừng hực trong ngành điện. Những người lính áo cam khắp mọi miền Tổ quốc được huy động.

Do phải triển khai đồng thời, trong khoảng thời gian ngắn, các công việc thi công dựng cột, kéo dây cần huy động số lượng lớn nhân lực có trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm, tay nghề cao. Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đã thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường nhân lực, giảm thiểu ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Trong đó, huy động tối đa nhân lực từ các đơn vị trong Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)… tham gia thi công.

Không chỉ phải nhanh ở từng địa phương, từng hạng mục của dự án., mà cần phải có sự phối hợp đồng bộ và tích cực từ nhiều bộ ngành. Như bộ KH-ĐT, Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNN, Bộ Công thương, Bộ giao thông vận tải, Bộ tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng... Số lượng cơ quan tham gia dự án lên tới gần 300 cơ quan đơn vị.

Để khích lệ toàn công trường nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao nhất để đưa dự án về đích, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và EVN đã phát động đợt thi đua 120 ngày đêm trên công trường Dự án đường dây 500 kV mạch 3 với chủ đề "Năm nhất: Tiến độ nhanh nhất; Chất lượng tốt nhất; An toàn - Tiết kiệm nhất; Sáng tạo nhất; Chăm lo đời sống tốt nhất nhằm tạo khí thế sôi nổi trên công trường.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam thường xuyên thăm hỏi, động viên, tích cực tham gia công tác hậu cần, đảm bảo lương thực, thực thực phẩm cho kỹ sư, công nhân tham gia dự án.

Ngoài ra, còn có khoảng 4.000 đoàn viên thanh niên được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hỗ trợ tại các địa phương. Công trường còn ấm áp với tình cảm của các lực lượng như mặt trận tổ quốc Việt Nam, lực lượng phụ nữ, cựu chiến binh các địa phương và bà con nhân dân đã tiếp sức cho các lực lượng thi công và tham gia các phần việc có thể.

Xác định rõ tính chất cấp bách của dự án, ngay khi dự án được triển khai, cùng với chính quyền tại địa phương và các tổ chức xã hội, lực lượng công an các cấp cũng đồng loạt ra quân làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trên các địa bàn thi công. Đặc biệt hình ảnh người chiến sỹ công an nhân dân gần gũi dân, cùng lắng nghe cùng chia sẻ tâm tư nguyện vọng của người dân, nên công tác vận động người dân đã được diễn ra thuận lợi.

Dự án 500 kV mạch 3: Chiến dịch thần tốc với nhiều kỷ lục - Ảnh 8.

Tinh thần lạc quan của đội ngũ cán bộ, công nhân trên công trình. (Ảnh: EVNICT)

Đường dây 500 kV mạch 3 với khối lượng công việc khổng lồ, nhưng kể từ khi triển khai cho đến khi hoàn thành dự án, đã không có bất cứ một mệnh lệnh hành chính nào phải thi hành.

Cùng với đó, cán bộ, chiến sỹ, bộ đội thường trực, dân quân tự vệ đã tập trung hỗ trợ phát quang, giải phóng mặt bằng, tạo hành lang an toàn lưới điện, vận chuyển cuộn cáp điện, vật liệu, rải kéo dây, san lấp hoàn trả mặt bằng...

Lực lượng quân đội, đặc biệt là Quân khu 3, Quân khu 4 đã hỗ trợ hàng nghìn ngày công tập trung tham gia vận chuyển vật tư thiết bị, kéo dải dây, hoàn nguyên môi trường, đảm bảo chất lượng, góp phần hoàn thành dự án trọng điểm quốc gia.

Có những cao điểm lên tới hơn 15.000 lao động trên các công trình. Có lẽ cũng chưa từng có công trình nào mà lực lượng nhà thầu xây dựng, lực lượng của chủ đầu tư, rồi lực lượng của các đơn vị xã hội, thanh niên, và các lực lượng vũ trang… lại cùng đồng lòng xây dựng với một khí thế như là những năm 80, 90 như thế. Và trong quá trình đó, rất nhiều tình cảm được gửi gắm đến những người chiến sỹ áo cam. Trong đó bài thơ "Con gái gửi Ba" là tình cảm và cũng là lời động viên của cô con gái Lê Nguyễn Phương Anh, 16 tuổi dành cho Ba - một công nhân ngành điện trong những ngày Ba tham gia đội xung kích thi công đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối để lại rất nhiều xúc động.

Theo lệnh động viên, Ba đã lên đường,

Xung kích thi công mạch ba lưới điện.

Trong giấc mơ con non nớt ẩn hiện,

Chiếc áo vàng Ba khoác vội bên hiên.

Bài thi con đạt mười điểm vẹn tròn,

Là phần thưởng dành tặng cho Ba đó.

Công trình đường dây 500kV rất nhiều gian khổ,

Quyết hoàn thành theo tiến độ nghe Ba.

Đường dây trên cao ngân nga bản tình ca,

Băng núi, vượt sông dựng hình hài Tổ quốc.

Kỳ tích và những bài học

- Ngày 18/1, động thổ toàn dự án

- Ngày 25/1, khởi công đồng loạt toàn tuyến

- Đến ngày 28/6, dự án Trạm biến áp 500 kV Thanh Hóa hoàn thành đóng điện.

- Ngày 30/6, dự án đường dây 500 kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 - Thanh Hóa hoàn thành đóng điện.

- Dự án đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa hoàn thành đóng điện ngày 19/8.

- Dự án đường dây 500 kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 - Phố Nối hoàn thành đóng điện ngày 19/8.

- Dự án đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, hoàn thành đóng điện ngày 27/8.

Dự án đường dây 500 kV mạch 3 đã hoàn thành đóng điện sau hơn 6 tháng thi công với ý chí sắt thép và tinh thần mãnh liệt, trở thành niềm tự hào không chỉ của ngành điện, mà còn là công trình đặc biệt quan trọng và cũng đặc biệt trong cách triển khai thi công và vận dụng sức mạnh tổng hợp, là công trình của toàn dân, toàn quân.

"Đây là sự thể hiện việc vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, sự quyết tâm của Chính phủ, đặc biệt là vai trò của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã biến thành khẩu hiệu hành động trên tất cả các công trường, các vị trí công trường của đường dây, nó biến thành hành động thực tế của tất cả các lực lượng tham gia", ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết. 

Dự án 500 kV mạch 3: Chiến dịch thần tốc với nhiều kỷ lục - Ảnh 10.

Sáng 29/8, tại tỉnh Hưng Yên, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành Dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) - Ảnh: VGP.

Chúng ta cũng rút ra được rất nhiều bài học quý báu, để tiếp tục vận dụng trong các dự án lớn của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: "Có 4 bài học cơ bản. Bài học thứ nhất về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức là tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào phải dứt việc đó, với tinh thần là khi phân công phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ tiến độ, rõ sản phẩm; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đôn đốc.

Bài học thứ hai là huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, các địa phương vào cuộc, rồi chính quyền quản lý, doanh nghiệp và người dân thì tham gia và ủng hộ việc này. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị tham gia hết, lực lượng vũ trang, quân đội, công an…

Bài học thứ ba, sự quyết tâm, tự lực, tự cường, tự vươn lên khẳng định mình của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong đó có các đồng chí lãnh đạo, đặc biệt cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường.

Một bài học quan trọng nữa là công tác tuyên truyền. Vừa qua các cơ quan tuyên truyền như VTV, VOV, TTXVN, Cổng TTĐT Chính phủ, Báo Nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh niên, Tiền phong, Lao động… vào cuộc rất tích cực. Chính việc tuyên truyền này tạo ra sức mạnh nội sinh, cổ vũ cho những người làm trên công trường, những người làm dự án này có thêm tinh thần, động lực để họ "vượt nắng, thắng mưa". Bài học này đang được nhân lên tại tất cả các công trường trọng điểm quốc gia như đường cao tốc, sân bay, xây dựng bến cảng, xây dựng hạ tầng số…

Đây là những bài học rất quý mà tôi nghĩ có thể vận dụng trong tổ chức, thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo các công trình trọng điểm quốc gia trong thời gian tới".

Nhớ lại Việt nam - những năm 90, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế toàn bộ khu vực miền Nam là rất lớn. Vì vậy, khi ấy, Cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã quyết định cho xây dựng đường dây 500 KV mạch 1 với quyết tâm hoàn thành trong 2 năm để đưa điện từ miền Bắc vào miền Nam, tạo sức bật rất lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội khu vực phía Nam.

Những năm sau đó, Việt Nam đã phát triển đường dây 500 KV mạch 2 và một phần mạch 3 ở phía Nam để đưa điện từ miền Trung, Tây Nguyên ra miền Bắc. Tuy nhiên, do cơ cấu nguồn điện ở miền Bắc đã tới hạn, trong khi miền Nam và miền Trung đã phát triển nhiều trung tâm điện lực lớn và có gần 20.000 MW năng lượng tái tạo nhưng khả năng truyền tải của đường dây từ miền Trung ra miền Bắc tới hạn, do đó việc xây dựng đường dây mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Hệ thống đường dây 500 KV là "huyết mạch" quốc gia, đưa dòng điện đến khắp mọi miền Tổ quốc. Công trình có thể xem như một bản hùng ca trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khi cả nước cùng lên công trường với ngành điện.

Với khát vọng "đi trước, mở đường cho phát triển", "Điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực đi trước một bước" sẽ tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao đời sống Nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước