Đây là dự án cần cơ chế đặc thù để thực hiện nhanh, tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội và nhiều đô thị vệ tinh; qua đó góp phần kết nối các tuyến quốc lộ, cao tốc hướng tâm thay cho đường vành đai 3 đã quá tải trầm trọng.
Dự kiến đường vành đai 4 dài hơn 112 km, nằm trên địa phận TP Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Dự án có quy mô 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên và có 60% tuyến đường đi trên cao được triển khai theo hình thức đối tác công tư PPP với tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư. TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh sẽ là chủ đầu tư thực hiện dự án trên địa phận của từng địa phương.
Theo các chuyên gia, Vành đai 4 là cao tốc đô thị, là hạ tầng dùng chung kết nối nhiều khu đô thị của nhiều tỉnh thành, nguồn tiền đầu tư xây dựng rất lớn nên cần phải có cơ chế đặc thù riêng.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, cho biết: "Đó là kiến trúc cảnh quan, không phải giao thông đơn thuần. Vì thế, mặt cắt của những tuyến đấy cũng phải để xem xét mặt cắt như thế nào bởi vì nó còn đường vành đai, còn đường gom, còn đường để đi xuống các khu đô thị khác nữa. Do đó, việc lấy đất của Vành đai 4 cũng khác các dự án khác, cần phải có cơ chế đặc thù ở đây".
Đại diện TP Hà Nội cho biết, đã tổng hợp lấy ý kiến của các chuyên gia để lập báo cáo tiền khả thi. Sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi của hợp phần số 3 - xây dựng đường cao tốc theo hình thức PPP được phê duyệt, TP sẽ lập hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng để lựa chọn nhà đầu tư. Sân bay thứ 2 của Hà Nội dự kiến đặt tại phía Nam thủ đô, ngoài vành đai 4, thuộc địa bàn huyện Thường Tín và Phú Xuyên, gắn với cao tốc Bắc Nam và đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!