Thế giới đã bước sang năm mới, nhưng những vấn đề cũ như COVID-19, chuỗi cung ứng đứt gãy…, tất cả vẫn còn ở phía trước. Trong tuần đầu tiên của năm, các định chế tài chính phố Wall dành nhiều thời gian để tiên lượng về năm 2022.
Trong ngày đầu quay lại văn phòng, Bloomberg đưa ra đánh giá của khoảng 50 định chế tài chính về triển vọng kinh tế Mỹ năm nay. Trong đó, từ khóa "lạm phát" được nhắc tới nhiều nhất với 224 lần và đi kèm với nó là các từ như "cao hơn" hoặc "nâng" (ám chỉ lãi suất). Trong khi đó từ "COVID-19" chỉ được nhắc tới 36 lần và thường gắn với hy vọng rằng vaccine sẽ chấm dứt đại dịch.
2022 sẽ là năm nền kinh tế toàn cầu hồi phục đồng đều và dần lấy lại đà tăng trưởng. (Ảnh minh họa - Ảnh: AP)
Trang tài chính của CNN thận trọng hơn khi đưa ra 5 điều có thể thay đổi cục diện năm 2022: thứ nhất, nếu Omicron không phải là biến thể cuối cùng; thứ hai, nếu chuỗi cung ứng vẫn đứt gãy; thứ ba, lạm phát vẫn tăng cao; thứ tư, nếu FED tăng lãi suất quá nhanh, có thể gây "tác dụng phụ" với tăng trưởng và cuối cùng là các sự kiện bất ngờ khác có thể xảy ra. Ở đây có thể là các cuộc tấn công tin tặc như đã từng nhắm vào đường ống dẫn dầu Colonial, hay hệ thống tài chính…
Đó là những rủi ro có thể xảy ra, nhưng hầu hết các nhà kinh tế đều mong đợi vào một kết quả lạc quan hơn. Dù kinh tế Mỹ năm 2022 không tiếp tục đà tăng như của năm 2021 do việc nâng lãi suất và các gói kích thích kinh tế bị hạn chế, nhưng những đánh giá lạc quan đang chiếm ưu thế, đối với kinh tế toàn cầu cũng vậy.
Trang Tài chính Yahoo trích dự báo của ngân hàng JPMorgan về tăng trưởng GDP 2022: kinh tế toàn cầu đạt 4,3%, Eurozone là 4,6%, các nền kinh tế mới nổi là 4,6%. Trong đó 2 nền kinh tế lớn nhất là Mỹ tăng 3,8% và Trung Quốc 4,7%. Đại diện tổ chức này cho biết, 2022 sẽ là năm nền kinh tế toàn cầu hồi phục đồng đều và dần lấy lại đà tăng trưởng như trước đại dịch.
Một bài báo khác của Bloomberg trích đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) của Anh quốc rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ lần đầu tiên vượt ngưỡng 100.000 tỷ USD vào năm 2022, sớm hơn 2 năm so với các dự báo trước kia. Thêm vào đó, kinh tế Trung Quốc sẽ vượt kinh tế Mỹ vào năm 2030, chậm hơn 2 năm so với dự báo trước. Còn Ấn Độ sẽ là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào 2031.
CEBR cũng dự báo, tới năm 2036, kinh tế Việt Nam sẽ vươn lên vị trí 20, từ vị trí 41 hiện nay trên Bảng xếp hạng của Liên đoàn Kinh tế thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!