Chứng khoán Mỹ giảm điểm
Trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 11, trái ngược với đà tăng điểm ban đầu, chứng khoán Mỹ đóng cửa trong sắc đỏ.
Cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) diễn ra chỉ 2 ngày trước khi báo cáo tiếp theo về thị trường lao động Mỹ được công bố. Các chuyên gia kinh tế dự báo tốc độ tăng trưởng việc làm dù chậm lại, nhưng không đáng kể. Điều này cho FED dư địa để tiếp tục nâng lãi suất.
Chốt phiên, cả 3 chỉ số chính tại phố Wall quay đầu giảm điểm: S&P 500 giảm 0,41% còn 3.856,1 điểm, Dow Jones giảm 0,24% còn 32.653,2 điểm và Nasdaq mất 0,89% còn 10.890,85 điểm. Tuần này tiếp tục đón nhận thêm các báo cáo kinh doanh quý 3 của nhóm dược phẩm và taxi công nghệ.
Trên thị trường kim loại quý, đồng USD giảm nhẹ hỗ trợ giá vàng tăng hơn 1%. Giá vàng giao ngay hiện giao dịch quanh mức 1.646 USD/ounce.
Còn trên thị trường dầu mỏ, các hợp đồng dầu tương lai giao tháng 1 năm sau tăng 2%. Dầu Brent lên mức 94,51 USD/thùng.
Dự báo lộ trình lãi suất
Tâm điểm của thị trường phiên đêm qua (1/11) là cuộc họp chính sách của FED kéo dài 2 ngày. Đến thời điểm này, các dự báo dường như đã ngã ngũ với việc FED có thể tăng tiếp lãi suất thêm 0,75 điểm %. Hầu hết các trang báo tài chính không cập nhật gì thêm về dự báo. Điều các nhà đầu tư quan tâm lúc này là FED sẽ nói gì sau cuộc họp.
Tạp chí Fortune cho rằng 0,75 điểm % là điều gần như chắc chắn. Nếu làm vậy, FED có 4 lần tăng lãi suất liên tiếp ở mức cao như thế này, đây là một bước ngoặt.
Các dự báo cho rằng FED có thể tăng tiếp lãi suất thêm 0,75 điểm %. (Ảnh: Getty Images)
Chủ tịch FED sẽ không nói rõ bước đi tiếp theo, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng ông Jerome sẽ thừa nhận FED đang tính đến việc giảm tốc độ tăng xuống nửa điểm % vào tháng 12.
Chuyên trang về tài chính cá nhân Bankrate cũng đồng tình rằng cuộc họp lần này, FED sẽ tăng tiếp 0,75 điểm % lãi suất. Các dự báo cập nhật sau cuộc họp lần trước của FED cho thấy, cơ quan này muốn các mức lãi suất đạt 4,25 - 4,5% vào cuối năm, nghĩa là cao hơn 1,25 điểm % so với hiện tại. Tính toán đơn giản, nếu tháng 11 tăng 0,75 thì tháng sau sẽ là 0,5 điểm %.
Với cuộc họp tháng 12, còn 2 dữ liệu chính sẽ có tác động là việc làm và lạm phát của tháng 10 và 11. Riêng số liệu tháng 10 sẽ được công bố vào 4/11, còn lạm phát là ngày 14/11. Xa hơn, nghĩa là năm sau, sau nữa, còn nhiều yếu tố khác.
Theo Nhật báo phố Wall lượng tiền mặt của người tiêu dùng Mỹ đang còn quá nhiều. Điều này có thể còn tác động tới việc tăng lãi suất cao và lâu hơn của FED.
Theo ước tính của FED, do dịch bệnh và các chương trình hỗ trợ, đến giữa năm 2021, các hộ gia đình Mỹ đang có tổng cộng khoảng 1,7 nghìn tỷ USD tiền tiết kiệm. "Đây không phải là dòng tiền mà FED muốn thấy. Người tiêu dùng đang quá dư dả", chuyên gia tài chính Samuel Rines bình luận.
Trang Bloomberg hỏi ý kiến các chuyên gia kinh tế đều nhìn thấy FED có tiềm năng siết lãi suất quá mức cần. Một số nhà kinh tế cho rằng FED sẽ dừng ở mức lãi suất 4,75%, nhưng 75% nhà kinh tế khác dự báo có thể cơ quan này sẽ tăng lãi suất quá mức và gây ra những tổn thương không cần thiết cho nền kinh tế.
Thomas Costerg, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Pictet Wealth Management, đánh giá: "Tác động đầy đủ của chính sách thắt chặt hiện nay có thể phải tận giữa 2023 mới cảm nhận được, đến khi đó có thể đã quá muộn".
Vì vậy các chuyên gia cũng cho rằng, nếu FED tiếp tục tăng lãi suất cao và kéo dài, sự đồng thuận trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang sẽ bị phân tán.
IMF: Cần tiếp tục tăng lãi suất
Đỉnh lãi suất của Mỹ có thể ghi nhận từ nay đến cuối năm là 4,5% và FED có thể tiếp tục nâng lãi suất lên mức 5% đến tháng 3/2023. Một lộ trình đã rõ để kiềm chế lạm phát.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva trong một trả lời phỏng vấn mới đây đã bình luận cho rằng, các ngân hàng trung ương nên tiếp tục tăng lãi suất hơn nữa để kiềm chế lạm phát cho đến khi lãi suất về mức "trung tính". Theo bà Georgieva, hầu hết các nước chưa đạt đến mục tiêu này.
"Lạm phát cao đang làm suy yếu tăng trưởng và tác động nặng nề nhất tới những nhóm người nghèo nhất trong nền kinh tế. Đó là lý do tại sao các ngân hàng trung ương cần phải can thiệp chính sách nhằm kìm hãm lạm phát. Thời gian qua, các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để đạt tới một mức lãi suất phù hợp kiềm chế lạm phát, nhưng ở hầu hết các quốc gia, chúng ta vẫn chưa đạt tới mức cần thiết này", Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva thông tin.
Bà Georgieva cũng cho rằng, phải đến năm 2024, các động thái điều chỉnh lãi suất trên toàn cầu mới thực sự phát huy hiệu quả tích cực.
"Nếu chúng ta nhìn vào trường hợp các nền kinh tế sớm sử dụng công cụ lãi suất để ứng phó lạm phát, sớm thực hiện lộ trình tăng lãi suất, phải mất từ 6 đến 9 tháng để nhìn thấy hiệu quả, nhưng đến lúc đó, nền kinh tế sẽ được hưởng lợi", bà Kristalina Georgieva nhận định.
Kết quả cuộc họp chính sách tháng 11 của FED sẽ được đưa ra vào lúc 2h chiều ngày thứ Tư (2/11) giờ Washington DC, tức rạng sáng ngày thứ Năm (3/11) theo giờ Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!