Hôm nay (5/8), giá vàng quốc tế đã tăng lên mức kỷ lục cao nhất trong lịch sử 2.039 USD/oz. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu đầu tư vào vàng như một tài sản an toàn ngày càng tăng trong giai đoạn hiện nay.
Chính phủ và Ngân hàng trung ương các nước lần lượt triển khai các gói kích thích kinh tế để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế. Đặc biệt, tại Mỹ, lãnh đạo Đảng Dân chủ đã ủng hộ đề xuất của Đảng Cộng hoà về gói cứu trợ trị giá 1.000 tỷ USD. Kỳ vọng về lạm phát tăng trên toàn cầu và việc lợi tức trái phiếu chính phủ 10 năm của Mỹ đã giảm xuống mức âm 1,06%. Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn cũng là nguyên nhân khiến vàng tăng giá.
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC trong nước cũng tăng theo giá vàng quốc tế. Hôm nay (5/8), có thời điểm giá vàng tăng kỷ lục lên tới 59 triệu đồng/lượng, mức giá cao nhất trong lịch sử.
Dù vàng tăng đỉnh điểm, không còn tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng như trước kia.
Tuy nhiên, khác với trước đây, khi giá vàng tăng, người dân thường đổ xô đi mua vàng, hiện nay giao dịch thị trường không có đột biến, tình hình mua, bán vàng miếng trầm lắng. Theo Ngân hàng nhà nước, doanh số mua, bán vàng đã giảm khoảng 30% so với cùng thời điểm năm ngoái. Giá vàng nguyên liệu và một số loại vàng miếng thương hiệu khác vàng miếng SJC duy trì ở mức thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi.
Trong thời gian tới, giá vàng thế giới có thể còn biến động khó lường, chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, cũng như tình hình địa chính trị trên thế giới.
Ngân hàng Nhà nước cho hay sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường, nếu có diễn biến bất thường, sẽ có các giải pháp và đủ nguồn lực để bình ổn thị trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!