Thu phí nhằm đảm bảo công bằng
Sáng 21/5, tiếp tục kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.
Về quy định thu phí sử dụng đường cao tốc, ông Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ nội dung này như dự thảo Chính phủ trình nhằm tạo nguồn lực đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn khó khăn.
Theo đó, việc thu phí đường cao tốc nhằm bảo đảm tính công bằng khi phương tiện tham gia giao thông được sử dụng dịch vụ tốt hơn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ áp dụng với các tuyến cao tốc có tuyến đường bộ song hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới
Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai nghiên cứu phương án thu trên các tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư, đánh giá tác động trong trường hợp thu phí và không thu phí đối với các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Theo đó, các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư đều có đường quốc lộ song hành, cho phép người tham gia giao thông có quyền lựa chọn sử dụng đường cao tốc hoặc đường quốc lộ.
Người tham gia giao thông trên đường cao tốc được hưởng nhiều lợi ích hơn do tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí vận tải, chi phí nhiên liệu, chi phí khấu hao phương tiện.
Không phải phí chồng phí
Cũng theo ông Lê Tấn Tới, hình thức thu phí sử dụng đường bộ hiện tại chưa phân loại được người sử dụng đường bộ thông thường và người sử dụng đường bộ cao tốc (được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn).
Để bảo đảm sự phù hợp giữa mức phí đóng góp và chất lượng dịch vụ được hưởng của người sử dụng, căn cứ trên nguyên tắc người sử dụng dịch vụ có chất lượng cao hơn thì phải trả chi phí cao hơn và người sử dụng có quyền lựa chọn tuyến song hành, dự thảo luật đã bổ sung quy định này.
Mức thu sẽ được xác định theo từng tuyến cao tốc đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác từng khu vực, phù hợp với chất lượng dịch vụ nhưng không vượt quá khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc. Việc thu phí này không dẫn đến phí chồng phí. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo luật Chính phủ trình.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư dự kiến áp dụng từ ngày 1/10/2024
Về quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho biết, đa số ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo luật. Một số ý kiến đề nghị quy định lực lượng thanh tra đường bộ được dừng phương tiện để xử lý, ngăn chặn hành vi vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.
Một số ý kiến đề nghị quy định rõ lực lượng Thanh tra đường bộ không thực hiện thanh tra đối với hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, kiểm định phương tiện trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân.
Để tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa lực lượng cảnh sát giao thông và lực lượng thanh tra đường bộ, tránh phiền hà cho người tham gia giao thông khi có nhiều lực lượng có thẩm quyền xử lý vi phạm trên đường bộ, dự thảo luật quy định theo hướng thanh tra đường bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, không thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường, chỉ xử lý trách nhiệm thông qua các điểm giao thông "tĩnh", qua cơ sở dữ liệu.
Việc tuần tra, xử lý trên đường do lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo luật Chính phủ trình.
Về hiệu lực thi hành, dự kiến các quy định liên quan đến việc thu phí sử dụng đường cao tốc sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2024 để kịp thời tổ chức triển khai hoạt động thu phí sử dụng đường bộ cao tốc theo quy định của luật này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!