Sẽ tính toán lợi ích của người dân khi thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư

Thuỳ An-Thứ bảy, ngày 05/08/2023 17:36 GMT+7

(Ảnh minh hoạ)

VTV.vn - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định sẽ tính toán mức thu phí một cách khoa học, minh bạch, đảm bảo chi trả của người dân.

Chiều 5/8, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, phóng viên đặt câu hỏi: Vừa qua trong dự án Luật Đường do Bộ Giao thông vận tải chủ trì soạn thảo đề xuất phương án bổ sung quy định về thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện theo số km xe chạy trên đường do Nhà nước đầu tư và do nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước.

Đề nghị Bộ Giao thông vận tải thông tin rõ hơn đề xuất thu phí đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, mức thu dự kiến ra sao và sử dụng nguồn thu thế nào?

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, đây là đề xuất được bộ đưa vào dự thảo Luật Đường bộ.

Theo ông Nguyễn Danh Huy, trên thế giới nói chung và các nước đang phát triển nói riêng, để đầu tư cho hạ tầng cần huy động rất nhiều phương thức, trong đó có phương pháp Nhà nước đầu tư xây cao tốc rồi thu phí để hoàn vốn.

Đối với Việt Nam, hiện nay nhu cầu đầu tư hạ tầng đường bộ cao tốc rất lớn. Dự kiến đến năm 2025 cần khoảng hơn 900.000 tỉ đồng. Do vậy khi quyết định chủ trương đầu tư các dự án đường cao tốc, đều là dự án quan trọng quốc gia, Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu giải pháp để đầu tư xong thu phí và hoàn vốn.

Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải xây dựng đề án và đề xuất đưa quy định thu phí vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ.

"Khi Nhà nước đầu tư các tuyến đường cao tốc mới thì song song có các tuyến đường quốc lộ. Người dân hoàn toàn có quyền lựa chọn đi cao tốc hoặc đường quốc lộ", ông Huy nói.

Sẽ tính toán lợi ích của người dân khi thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng khẳng định, sẽ tính toán mức thu phí một cách khoa học, minh bạch, đảm bảo chi trả của người dân. Cùng với đó, tính toán lợi ích mang lại khi các phương tiện đi trên cao tốc nhanh hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn, từ các chi phí nhiên liệu, chi phí vận hành…

Về sử dụng nguồn thu phí, ông Huy cho biết sẽ nộp ngân sách, phục vụ đầu tư hạ tầng và các nhiệm vụ chi khác của Trung ương.

Còn mức thu phí thế nào, mỗi dự án đều đánh giá tác động, lợi ích mang lại và đánh giá khả năng chi trả của người dân, trên cơ sở đó mức phí phải xây dựng một cách khoa học và có lấy ý kiến các cơ quan liên quan.

Theo Bộ Giao thông vận tải, để thực hiện mục tiêu 5.000 km đường bộ cao tốc, nhu cầu các nguồn vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng hơn 800.000 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 cần khoảng hơn 390.000 tỉ đồng để hoàn thành 2.043 km và khởi công 925 km.

Bộ Giao thông vận tải cho rằng, nếu không có cơ chế tạo nguồn tài chính cho đầu tư, phát triển, bảo trì, sẽ không đảm bảo mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông đường bộ đồng bộ, hiện đại, đạt mục tiêu 5.000 km đường cao tốc theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; không đảm bảo việc thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước đối với dự án đường cao tốc sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước