Du lịch hậu COVID-19: Điểm đến xa hơn, ưu tiên trải nghiệm

Thuỳ An-Thứ tư, ngày 17/05/2023 16:43 GMT+7

(Ảnh: Reuters)

VTV.vn - Theo Viện Kinh tế Mastercard, khách du lịch hiện sẵn sàng chi tiêu để tăng sự trải nghiệm trong các chuyến du lịch năm 2023.

Theo Báo cáo Xu hướng Du lịch 2023 mới được Viện Kinh tế Mastercard cho biết khi người tiêu dùng đang có thu nhập cao hơn và quay trở lại trạng thái thoải mái như thời kì trước đại dịch, họ cũng bắt đầu du lịch xa hơn đến các địa điểm mới. 

Đối với du khách đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ và Australia vẫn là những điểm đến yêu thích cho hành trình du xuân và nghỉ hè. 

"Những trải nghiệm du lịch sang trọng, như lưu trú cao cấp và du lịch xa hoa ở những nơi như Pháp và Italy, có thể sẽ thu hút khách du lịch Trung Quốc quay trở lại nền kinh tế trải nghiệm từ chính sách "Zero Covid"", báo cáo của Viện Kinh tế Mastercard cho biết.

Báo cáo cũng cho biết khách du lịch tiếp tục ưu tiên trải nghiệm hơn các yếu tố khác và đang đòi hỏi nhiều hơn về sự độc đáo. Du khách đã đến những nơi ít được biết tới hơn để trải nghiệm văn hóa, có thể do ảnh hưởng từ phương tiện truyền thông xã hội và giải trí. 

Vào tháng 3/2023, chi tiêu trải nghiệm tăng 32,2% so với tháng 3/2019, trong khi chi tiêu cho các yếu tố khác tăng 22,2% ở Việt Nam. Chi tiêu hướng đến trải nghiệm đang tăng mạnh ở một số hành lang du lịch nhất định khi lệnh phong tỏa do đại dịch được dỡ bỏ, nhưng du khách Trung Quốc vốn có truyền thống ưu tiên hàng bán lẻ xa xỉ có thể thúc đẩy chi tiêu hàng hóa trên khắp các thị trường.  

Yếu tố "trải nghiệm" trong báo cáo của Viện Kinh tế Mastercard bao gồm chi tiêu của khách du lịch tại nhà hàng, hoạt động vui chơi giải trí, sòng bạc, hộp đêm, quán bar và các sự kiện khác, còn "những yếu tố khác" bao gồm chuỗi cửa hàng tiện lợi, quần áo, mỹ phẩm, dụng cụ thể thao, đồ trang sức, giày dép, hiệu sách, đồ điện tử, đồ chơi và cửa hàng tạp hóa (Không bao gồm chi phí đi lại và chỗ ở).

Một xu hướng khác trong báo cáo của Viện Kinh tế Mastercard cho thấy, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch công tác đang phát triển với tốc độ tương đồng. 

Cụ thể, trong nửa cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, lượng đặt vé máy bay của doanh nghiệp đã tăng lên ngang bằng mức đặt vé máy bay nghỉ dưỡng, nhờ xu hướng trở lại làm việc tại văn phòng mạnh mẽ ở một số khu vực.

"Nhu cầu gặp mặt trực tiếp, với mức tăng trưởng đáng kể nhất về chi phí đi lại phục vụ thương mại và giải trí dẫn đầu bới châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu lần lượt 64% và 42% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2023", Mastercard nêu trong báo cáo.

Ngoài ra Mastercard cho rằng, Trung Quốc mở cửa trở lại mang lại lợi ích cho du lịch toàn cầu nói chung và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng. Các nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ sự mở cửa của Trung Quốc, do mối quan hệ chặt chẽ về thương mại quốc tế, du lịch và khoảng cách địa lý. 

"Với xu hướng ưu tiên trải nghiệm hơn các yếu tố khác trên toàn cầu, nhu cầu du lịch dự kiến sẽ gia tăng vượt xa đợt bùng nổ do bị kìm nén trước đây. Khi chúng ta chuẩn bị bước vào mùa du lịch hè cao điểm, câu hỏi lớn đặt ra là liệu nguồn cung chuyến bay và lưu trú có theo kịp nhu cầu hay không", David Mann, Nhà Kinh tế trưởng khu vực châu Á, Viện Kinh tế Mastercard đặt vấn đề.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước