Nếu như khách nội địa đã chạm 38 triệu lượt trong 4 tháng thì tháng 4 cũng là tháng thu hút khách du lịch quốc tế cao nhất từ đầu năm đến nay với hơn 984.000 lượt. Nếu tính chung 4 tháng, khách quốc tế đã đạt 3,7 triệu lượt, gấp 19 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý hơn, con số này đã gần đạt một nửa lượng khách mục tiêu mà ngành du lịch đặt ra cho năm nay là 8 triệu lượt, dù chỉ mới 4 tháng.
Trong top 10 thị trường hàng đầu, Đông Bắc Á có 4 thị trường: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản. Đông Nam Á có 3 thị trường: Thái Lan, Malaysia và Campuchia. Australia xếp ở vị trí thứ 9 và Ấn Độ xếp ở vị trí thứ 10.
Đó là một vài con số đáng chú ý nhưng điều đơn giản nhất mà chúng ta có thể nhận thấy được về sự trở lại của du khách quốc tế sau dịch là sự nhộn nhịp trên các con phố Tây.
Phố Tây nhộn nhịp khách du lịch
Trong một vài tháng trở lại đây, lượng khách đến với phố cổ Hà Nội đã đông trở lại và khá nhộn nhịp. Theo những người bán hàng tại đây, lượng khách quốc tế thường đông hơn vào những ngày cuối tuần. Không chỉ tăng về lượng, du khách nước ngoài đợt này đã "chịu chi" hơn.
Anh Huy Anh, phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, cho biết: "Tôi buôn bán ở đây các mặt hàng dành cho người nước ngoài, tôi thấy lượng khách tăng lên khoảng 20%-30%. Trước đây, khách đến chỉ có nhu cầu tham quan với xem thôi, đợt này thấy nhu cầu tăng lên và họ cũng đã mua sắm trở lại".
Theo Sở Du lịch Hà Nội, 4 tháng đầu năm nay, đã có 1,44 triệu lượt khách quốc tế đến với Thủ đô, tăng 18 lần so với cùng kỳ năm 2022. Hà Nội cũng nằm trong top những địa điểm được khách quốc tế đến thăm nhiều nhất tại Việt Nam.
Chị Sara Bullock, du khách Anh: Tôi đã đi TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Sapa... Tôi nghĩ tôi thích Hà Nội nhất. Tôi dự định chi khoảng 1.000 Bảng cho chuyến đi này.
Chị Cian, du khách Canada: Cảnh đẹp và thức ăn ngon. Tôi rất thích phở. Giá cả ở đây khá rẻ nữa. Tôi sẽ dành khoảng 2.000 đô la Canada tại Việt Nam.
Anh Sulid, du khách Ấn Độ: Tôi nghĩ chúng tôi sẽ tiêu khoảng 2800 rupees tại Việt Nam. Nếu so sánh với Ấn Độ thì chi tiêu tại Việt Nam rẻ hơn. Chúng tôi quyết định du lịch theo tour để được cung cấp đầy đủ nơi ăn, chỗ ở.
Năm 2022, Hà Nội nhận 2 giải thưởng quốc tế về du lịch là "Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á" và "Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới" do World Travel Awards bình chọn. Thủ đô kỳ vọng sẽ đón 3 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.
Nguyên nhân lượng khách du lịch quốc tế tăng cao
Đầu tiên phải kể đến động lực tăng trưởng chính đến từ thị trường Trung Quốc sau khi nước này mở lại tour du lịch theo đoàn đến Việt Nam từ 15/3, giúp thị trường này đạt 112.000 lượt trong tháng 4 và có mức tăng trưởng tốt nhất trong các thị trường.
Thêm vào đó, phải nói rằng, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đang được các cơ quan liên quan thực hiện hiệu quả. Điều này khiến lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam tăng đáng kể. Theo dữ liệu từ Google, lượng tìm kiếm quốc tế về lưu trú du lịch Việt Nam xếp thứ 11 trên thế giới, nằm trong nhóm có mức tăng từ 10% đến 25%. Chỉ có Việt Nam và Philippines là quốc gia ở Đông Nam Á nằm trong nhóm đầu thế giới.
Một nguyên nhân nữa, cũng là quan trọng nhất, là sự tích cực của các địa phương trong việc đưa ra các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn các vị khách từ nước ngoài.
Quảng Ninh: Du lịch thuyền buồm hút khách quốc tế
Cuộc đua thuyền buồm Tuần Châu - Hạ Long được tổ chức lần đầu tiên với gần 10 đội đến từ các quốc gia như Tây Ban Nha, Malaysia, Mỹ, Pháp… Không đơn thuần là một sự kiện thể thao, Ban tổ chức kỳ vọng đây sẽ là hướng khai thác du lịch mới, giúp phát huy tối đa tiềm năng du lịch vịnh Hạ Long trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Ban tổ chức Cuộc đua thuyền buồm Tuần Châu Hạ Long, nói: "Chúng ta có một mùa là mùa có gió mùa đông bắc, có thể gọi là mùa thấp điểm về du lịch. CLB chúng tôi luôn hy vọng biến thời điểm gọi là mùa thấp điểm thành những cơ hội vàng và quảng bá được những hình ảnh vào lúc thị trường du lịch đang đi xuống nhưng chúng ta lại có một sản phẩm là một điểm sáng".
Cảnh đẹp, địa hình lý tưởng, vịnh Hạ Long được cho là có đủ sức hấp dẫn để lôi cuốn các đội thuyền buồm quốc tế, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh du lịch tại Quảng Ninh.
Ông Lucas Authier Guerrero, Câu lạc bộ Thuyền buồm Argentina, cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi đua thuyền tại Hạ Long, ở đây rất đẹp, bạn có thể thấy khung cảnh thiên nhiên khác hoàn toàn ở bất kì đâu trên thế giới. Nhiều điều kiện đẹp tuyệt với để đua. Tôi nghĩ nên có thêm nhiều hoạt động để có thể quảng bá cho tuyển thủ trên khắp thế giới biết rằng địa hình Việt Nam rất đẹp để đua thuyền, tiềm năng phát triển du lịch gắn liền cùng đua thuyền rất lớn".
Một sản phẩm du lịch nữa cũng được nước ta phát triển trong khoảng thời gian gần đây, được kỳ vọng là sản phẩm tiềm năng thu hút dòng khách quốc tế, là du lịch Golf. Đây là loại hình du lịch kết hợp giữa du lịch thể thao và khám phá, tham quan, nghỉ dưỡng tại điểm đến. Không chỉ là một sản phẩm thu hút du khách về lượng, mà còn cả về chất, khi góp phần gia tăng chi tiêu của du khách quốc tế khi đến Việt Nam.
Gia tăng du lịch chi tiêu cao
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, mỗi khách du lịch đến Việt Nam chơi golf chi tiêu 40 triệu đồng/5 ngày, chưa kể vé máy bay. Đây là mức cao so với mặt bằng khách du lịch hiện nay.
Đi chơi golf không chỉ cần mua lượt chơi mà còn cần sử dụng dịch vụ nhà hàng, khách sạn trước và sau trận đấu. Ngoài ra, là thời gian đi mua sắm đồ golf, đồ lưu niệm, thăm quan, du lịch những cảnh quan địa phương. Khi chơi golf kết hợp với du lịch, khách du lịch sẽ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn, do đó, việc hình thành khu phức hợp thể thao sẽ góp phần kích thích du lịch tại các địa phương.
Ông Vũ Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam, cho biết: "Số lượng sân golf hiện tại của chúng ta quá ít. Nguồn lực rất thiếu nên rất mong là các nhà đầu tư sẽ tiếp tục quan tâm hơn đến golf. Đây là cơ hội kinh tế để thu hút nguồn tiền từ khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. kết hợp du lịch văn hoá, cảnh quan, tham quan di tích lịch sử của chúng ta".
8 triệu lượt khách quốc tế chỉ là mục tiêu về lượng, điều quan trọng hơn là cả về chất, tức là phải làm sao để du khách chi tiêu nhiều hơn khi đến Việt Nam. Với nhiều sản phẩm mới, chất lượng, du lịch Việt có một mục tiêu xa hơn là sẽ thu được nhiều tiền hơn, trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, khi 4 tháng đầu năm đã vượt 196.000 tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!