Đến cuối quý II năm nay, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh là 310.600 tỷ đồng, tăng 29% so cuối năm ngoái. Con số này được đưa ra tại Hội thảo Khởi động về Ngân hàng xanh và Tài chính xanh trong ngành năng lượng Việt Nam, do Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tổ chức sáng nay (18/12) tại Hà Nội.
Mặc dù số dư nợ đã tăng gần 30% so với cuối năm ngoái tuy nhiên theo các chuyên gia, con số này vẫn còn khá khiêm tốn. Có ba khó khăn được chỉ ra, đó là nhận thức chung về phát triển xanh và bền vững từ xã hội, doanh nghiệp và cả bản thân ngân hàng. Thứ hai là sự thiếu vắng chính sách, quy trình và các sản phẩm ngân hàng xanh. Và cuối cùng là do nguồn vốn xanh còn hạn hẹp, đặc biệt là vốn trung và dài hạn bởi việc đầu tư vào các ngành, lĩnh vực xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao nên rất cần các ưu đãi về thời hạn và chi phí vốn vay. Trong khi nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng thường là ngắn hạn, huy động theo chi phí vốn thương mại trên thị trường.
Bởi thế, theo các chuyên gia, bên cạnh hệ thống ngân hàng, việc tìm kiếm và hợp tác để có được các nguồn vốn từ các đối tác bên ngoài rất cần được khuyến khích. Các chuyên gia cũng cho rằng, cần có cơ quan đầu mối quốc gia để nhận các quỹ tài trợ từ các tổ chức quốc tế, giải quyết bài toán về vốn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!