Nếu như trước đây, chỉ những cá nhân giữ chức vụ cao trong các doanh nghiệp nhà nước mới phải kê khai tài sản và thu nhập, thì nay, trong dự thảo luật phòng chống tham nhũng bổ sung thêm nhóm đối tượng giữ chức vụ cao trong các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư. Các DN đã bày tỏ nhiều ý kiến trái chiều quanh dự thảo luật này.
Anh Nguyễn Khắc Hiếu - Giám đốc Công ty chuyên xuất khẩu hàng may mặc cho rằng: “Chúng tôi sở hữu bất cứ một tài sản gì do chúng tôi tạo ra, thì nó đã được đóng thuế cho nhà nước rồi. Nếu áp dụng luật chống tham nhũng ngoài nhà nước như thế này thì nó không hợp lý và rất thừa”.
Theo anh Hiếu, sở hữu tài sản cá nhân của những người đứng đầu không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, Luật sư Ngọc Anh nhận định, việc kê khai tài sản thực chất chỉ nhằm hỗ trợ cho việc tính thuế thu nhập cá nhân và các loại thuế khác. Vì vậy, không nhất thiết phải đưa thành quy định bắt buộc.
Là người đã thuộc nhóm phải kê khai tài sản theo quy định cũ, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng ngay cả quy định hiện hành cũng chỉ mang tính hình thức, bởi việc kê khai là tự nguyện không được rà soát lại. Do đó, quan trọng là có cách quản lý chặt chẽ hơn, bởi nếu không có mở rộng đối tượng cũng không hiệu quả.
Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản trong dự thảo luật phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, một trong những giải pháp được các chuyên gia nhắc tới là đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Chỉ như vậy mới tạo sự minh bạch cũng như nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống tham nhũng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trênTV Online!