Bởi nhiều quy định trong dự thảo còn có không ít điểm gây tranh cãi, nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường với bản đầu tiên được đưa ra từ tháng 4 năm nay đã thu hút được sự chú ý của các doanh nghiệp và cả xã hội. Liên tiếp các tháng sau đó các hội thảo đã được tổ chức để góp ý.
Ngày 27/9, Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định và có công văn góp ý số 154 với 24 trang trong đó rất nhiều nhận xét cho rằng các quy định trong dự thảo là "chưa phù hợp" với các Luật hiện hành, bao gồm cả Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngày 11/10, 11 Hiệp hội lớn trong nước gửi thư trực tiếp lên Thủ tướng để kiến nghị, do các ý kiến góp ý trước đó không được tiếp thu hoặc tiếp thu rất ít.
Ngày 18/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tổ chức họp với một số hội, hiệp hội doanh nghiệp về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường
Sáng ngày 18/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà mời 15 hiệp hội lớn đến họp. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã đồng ý tiếp thu hầu hết các vấn đề lớn mà cộng đồng doanh nghiệp đã góp ý kiến nghị, và đưa ra 7 chỉ đạo để Ban Soạn thảo thực hiện sửa đổi 4 lĩnh vực chính của Dự thảo. Ngay chiều hôm đó, Ban Soạn thảo cùng đại diện 5 hiệp hội thảo luận về sửa đổi dự thảo theo chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà.
“Cho đến thời điểm hiện tại với dự thảo mới nhất vào ngày 20/10, chúng tôi cũng ghi nhận những phản ánh ý kiến của doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn có khoảng 50% các hạng mục góp ý của phía doanh nghiệp chưa được ghi nhận. Chúng tôi rất mong trong thời gian tới sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét”, ông Lê Văn Vệ - Đại diện Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam cho biết.
Cũng theo ông Vệ, Nghị định này liên quan đến rất nhiều ngành hàng khác nhau. Hiện tại rát nhiều ngành hàng trong đó có ô tô, xe máy… vẫn còn đang có những điểm vướng mắc.
“Tôi nhận thấy rằng với dự thảo Nghị định hiện tại vẫn còn gây khó khăn cho hiệp hội ngành hàng”, ông Vệ đánh giá.
Trong khi đó cho biết về việc tiếp thu ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định, theo ông Phan Tuấn Hùng - Vụ Trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cách đây ít ngày Bộ đã có buổi làm việc với Hiệp hội ô tô và Hiệp hội xe máy để thảo luận một số nội dung.
Trong đó đã thống nhất tỷ lệ tái chế có điều chỉnh. Cùng với đó là do tính đặc thù của ngành ô tô, xe máy thì vấn đề thu gom cũng đã được đưa vào bổ sung trong quy định để có hỗ trợ cho các nhà sản xuất, nhập khẩu dễ dàng hơn.
Môi trường đó là mục tiêu quan trọng nhất và cuối cùng mà tất cả đều hướng đến. Nhưng nếu đưa ra các quy định pháp luật không thực tế, không khả thi, và chi phí tuân thủ quá lớn thì lại cản trở cho cả phát triển lẫn bảo vệ môi trường.
Bởi doanh nghiệp hay các hoạt động sản xuất, tiêu dùng mà không phát triển thì sẽ khó có thể đảm bảo được mục tiêu bảo vệ môi trường. Dự thảo nghĩa là người dân và doanh nghiệp còn cơ hội để được góp ý và cũng là cơ hội được lắng nghe, để tiếp thu, điều chỉnh và hoàn thiện.
Những nội dung tranh cãi trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường là gì? Đâu là những vướng mắc trong trong dự thảo? Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp thu ý kiến trong quá trình xây dựng dự thảo ra sao?
Những câu hỏi trên sẽ phần nào được trả lời trong chương trình Sự kiện và Bình luận ngày 23/10.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!