Những sản phẩm chất lượng sẽ không chỉ được bán ở trong nước mà còn được phân phối đến các siêu thị của những hệ thống này trên toàn thế giới. Giữ chữ tín về chất lượng là yêu cầu đầu tiên để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận phương thức này.
Để sản phẩm Việt Nam bước chân vào hệ thống bán lẻ nước ngoài không hề dễ dàng. Các hợp tác xã, doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chuẩn kĩ thuật quốc tế, có đầy đủ hồ sơ tự công bố, kiểm nghiệm sản phẩm, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Thậm chí, một số sản phẩm tươi sống phải áp dụng các công nghệ cao để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ảnh minh họa - (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Hiện nay, nhiều tập đoàn, siêu thị hàng đầu thế giới đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn cung và Việt Nam trở thành điểm đến thu mua nông sản chiến lược. Việc kết nối chuỗi cung ứng, hợp tác về công nghệ, kĩ thuật với các quốc gia nhập khẩu đang được ngành nông nghiệp triển khai, để các tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam có thể tiệm cận và hợp nhất dần với các tiêu chuẩn thế giới.
"Bộ NN&PTNT đã giao cho Cục Khuyến nông tìm cách hợp chuẩn giữa các tiêu chuẩn sản xuất Nhật Bản và Việt Nam (J-Gap và VietGap). Người nông dân sẽ phải đồng hành với các lực lượng của Bộ, kết nối với doanh nghiệp để tạo liên kết chuỗi giá trị ràng buộc mạnh mẽ hơn mới có thể làm được điều này", ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ NN&PTNT cho biết.
Theo các nhà mua hàng thế giới, Việt Nam có nguồn nguyên liệu nông sản phong phú, đủ khả năng để cung ứng hàng cho thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng lực dịch vụ, cải tiến về thương hiệu, đầu tư công nghệ chế biến, logictis… mang lại giá trị cao hơn cho nông sản Việt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!