Halal - Thị trường tiềm năng cho nông sản Việt Nam

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 05/11/2024 14:08 GMT+7

VTV.vn - Với khả năng xuất khẩu trên 50 tỷ USD nông sản mỗi năm, cùng với việc đã xây dựng được các chuỗi cung ứng - đây sẽ cơ hội để nông sản Việt Nam tiến vào thị trường Halal.

Cơ hội cho nông sản Việt Nam tại thị trường Halal

Thị trường các quốc gia Hồi giáo Halal với hơn 2 tỷ người, đang là một thị trường xuất khẩu tiềm năng cho nông sản Việt Nam. Trong đó, Đông Nam Á là nơi có đông người Hồi giáo nhất thế giới, chiếm khoảng 42% tổng dân số khu vực. Việt Nam lại vị trí địa lý thuận lợi, mở ra cơ hội cho nông sản Việt dễ dàng tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng.

Dự đoán chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal sẽ đạt mức 1,67 nghìn tỷ USD vào năm 2025, theo Báo cáo Kinh tế Hồi giáo toàn cầu năm 2022.

Nông nghiệp Việt Nam có đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, cơ bản phù hợp và hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn về Halal về thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, gạo…

Theo Bộ NN&PTNT, với khả năng xuất khẩu trên 50 tỷ USD nông sản mỗi năm, cùng với việc đã xây dựng được các chuỗi cung ứng, đây sẽ cơ hội để nông sản, thủy sản Việt Nam tiến vào thị trường Halal nếu như có sự đầu tư bài bản, hiệu quả, tạo động lực phát triển kinh tế nông nghiệp.

Tăng cường giao thương thực phẩm Halal tại Trung Đông

Chứng nhận Halal - yêu cầu cơ bản dành cho các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe. Như không được sử dụng chất cấm mà đạo Hồi quy định trong quá trình sản xuất, hay chăn nuôi động vật, cần đảm bảo sự nhân đạo... Hiện nay, Việt Nam có gần 1.000 doanh nghiệp đã được chứng nhận này. Đây là tiền đề để thúc đẩy hoạt động giao thương, tham gia sâu hơn thị trường Halal.

Nhận thấy thị trường Halal ngày càng mở rộng, Công ty Pushmax - một doanh nghiệp sản xuất đồ uống Việt Nam - đã chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất từ sản phẩm thông thường sang sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal.

Ngay từ nguyên liệu đầu vào, dây chuyền sản xuất tại các nhà máy đến quá trình bảo quản sản phẩm đều phải tuân theo những quy định tiêu chuẩn Halal.

Bà Trần Thị Ngọc Bích - Tổng Giám đốc Công ty Pushmax cho biết: "Thị trường Halal, một thị trường rất nhiều tiềm năng. Từ năm 2022, chúng tôi đã bắt tay vào việc xin cấp chứng chỉ Halal. Tuy nhiên, khó khăn là làm thế nào để kết nối hoặc gặp trực tiếp các doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu nhập sản phẩm Halal để tạo giao thương hai bên".

Halal - Thị trường tiềm năng cho nông sản Việt Nam - Ảnh 1.

Thị trường Châu Phi - Trung Đông có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm Halal. Ảnh: Báo Công Thương.

Gần đây thông tin về mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn Halal ngày càng mở rộng. Các đối tác nhập khẩu tại các quốc gia Hồi giáo có thể dễ dàng tìm kiếm đối tác từ Việt Nam, từ đó giảm chi phí và đa dạng hóa nguồn cung ứng.

Ông Ali Alsayegh - Giám đốc Công ty Dar Al Tharaya, Kuwait đánh giá: "Có nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đạt tiêu chuẩn, quy trình về sản xuất Halal, đáp ứng yêu cầu của các quốc gia Trung Đông. Điều này giúp chúng tôi có thêm lựa chọn để nhập khẩu".

Hiện Việt Nam có hơn 20 mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Halal. Với thế mạnh các mặt hàng nông sản thực phẩm đã định vị thương hiệu trên toàn cầu, sản phẩm Halal Việt Nam càng nhiều cơ hội tăng thị phần ở khu vực Trung Đông.

Ông Trần Trọng Kim - Tổng Thương vụ Việt Nam tại Saudi Arabia cho biết: "Trong nhiều năm qua, các sản phẩm Halal Việt Nam đã có mặt tại Saudi Arabia, khi các nhà nhập khẩu đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung, phục vụ nhu cầu người Hồi giáo. Sản phẩm Halal tại thị trường này bao gồm bánh kẹo, thực phẩm, mỹ phẩm, mì ăn liền, thủy sản chế biến… Các sản phẩm này dần chinh phục người dân theo Đạo hồi ở Saudi Arabia cũng như khu vực Trung Đông".

Việt Nam đang tham gia thị trường Halal ở giai đoạn đầu, vì vậy sẽ còn gặp nhiều thách thức, khó khăn để có thể từng bước chiếm lĩnh thị trường này. Việc ký kết các hiệp định thương mai song phương với các đối tác vùng Vịnh sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động giao thương với khu vực.

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Halal

Thị trường mới mở ra đi kèm với nhiều thách thức mới. Với thị trường Halal, việc đáp ứng quy định Đạo hồi và cạnh tranh với các quốc gia khác vốn đã có chỗ đứng trên thị trường Halal như Ấn Độ, Brazil, Mỹ sẽ là những thử thách cho doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần có sự chuẩn bị tốt để không bỏ lỡ cơ hội lớn từ thị trường tiềm năng này.

Bà Faiza Shafqat - Tham tán Thương mại và Đầu tư, Đại sứ quán Pakistan tại Việt Nam cho biết: "Pakistan có hơn 200 triệu dân, 90% là người Hồi giáo, nên nhu cầu thực phẩm Halal rất lớn, đặc biệt là các sản phẩm thịt. Mỗi năm, trung bình Pakistan nhập khẩu 2,7 tỷ USD thịt gà. Để xuất khẩu sang đây, các doanh nghiệp cần đạt được chứng nhận Halal của Pakistan, với những tiêu chuẩn cụ thể chúng tôi đã công bố trên website của Đại sứ quán. Những người tiêu dùng tại đất nước chúng tôi cũng luôn tìm kiếm logo Halal trên các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, vì đó là tiêu chuẩn cơ bản cho thực phẩm của người Đạo hồi".

Halal - Thị trường tiềm năng cho nông sản Việt Nam - Ảnh 2.

Lượng lớn nông sản thực phẩm của Việt Nam đạt tiêu chuẩn vệ sinh ATTP phù hợp với chứng nhận Halal - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Thị trường Halal luôn được xem là thị trường khó tính vì các sản phẩm cần tuân theo quy định đặc thù và nghiêm ngặt của đạo Hồi. Theo bà Faiza Shafqat, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nâng cao khả năng đáp ứng được những quy định này.

"Hiện nay, việc cấp chứng nhận Halal vẫn là một trong những thách thức lớn khi các tiêu chuẩn không đồng nhất giữa các quốc gia Hồi giáo. Mỗi quốc gia lại có những tiêu chuẩn riêng và sẽ cấp chứng nhận theo từng quốc gia hoặc khu vực. Vì thế, các doanh nghiệp Việt nam cần tìm hiểu kĩ thị trường đích khi lên kế hoạch sản xuất và xuất khẩu. Đội ngũ tham tán thương mại Pakistan sẵn sàng để hỗ trợ doanh nghiệp hai bên kết nối cung cầu, cung cấp thông tin thị trường để các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal của Việt Nam có mặt tại Pakistan", bà Faiza Shafqat cho hay.

Thủ tướng: Đưa hợp tác về Halal thành trụ cột trong quan hệ kinh tế quốc tế Thủ tướng: Đưa hợp tác về Halal thành trụ cột trong quan hệ kinh tế quốc tế

VTV.vn - Chiều 22/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị "Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước