Một cơ sở trên hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) tại Lubmin, Đức ngày 8/3. Ảnh: Reuters.
Bộ trưởng Tài chính Đức cho rằng, sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga phải được cắt giảm một cách nhanh chóng, bền vững và các trạm nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng nổi sẽ có đóng góp quan trọng cho việc này.
Vì vậy, Bộ Tài chính Đức đã dành tổng cộng 2,94 tỷ Euro để thuê các công ty vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng lớn này. Trong những năm gần đây, Đức đã nhập khẩu trung bình 55% lượng khí đốt cần thiết từ Nga thông qua các đường ống trên đất liền. Tỷ trọng này đã được giảm xuống còn 40% vào cuối quý I/2022, khi Đức tăng cường nhập khẩu từ Hà Lan, Na Uy.
Khác với nhiều nước châu Âu khác, Đức không có trạm chứa và tái hóa khí nào trên đất liền để xử lý khí hóa lỏng nhập khẩu. Hiện tại, Đức vẫn phải dựa vào các trạm ở các nước châu Âu khác và điều này đang hạn chế khả năng nhập khẩu của nước này.
Theo truyền thông Đức, chính phủ nước này đang xem xét hợp tác với các đối tác tư nhân để thuê ba đến bốn tàu đặt ở các cảng ở vùng Biển Bắc hoặc Biển Baltic để phục vụ mục đích này. Một số cơ sở vật chất trong số này có thể đi vào vận hành vào mùa Đông tới.
Chính phủ Đức cho rằng nước này không thể chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt từ Nga trước giữa năm 2024.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!