Một gian hàng bán bánh trung thu nhà làm.
Một chiếc bánh trung thu nhà làm trọng lượng 250gr được rao bán trên một sàn thương mại điện tử (TMĐT) với giá 50.000 - 55.000 đồng. Một sàn khác rao bán chiếc bánh tương tự với giá trên dưới 40.000 đồng, không bao gồm hộp giấy.
Đối với loại hộp 4 bánh, giá bán phổ biến trên hầu hết các trang chợ mạng là trên 200.000 đồng/hộp. "Do bánh nhà làm, không có sẵn nên khách đặt hàng sau 5 - 7 ngày mới nhận được bánh" - một người bán hàng trên sàn Lazada chia sẻ.
Không chỉ bánh làm sẵn, mà nhân bánh trung thu các loại cũng là mặt hàng phổ biến trên chợ mạng những ngày gần đây với đủ mức giá. Thông dụng nhất là nhân nhuyễn đậu xanh, trà xanh, chocolate, thập cẩm…
Theo khảo sát, tất cả các gian hàng bán bánh và nhân bánh trung thu "handmade" đều không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc các giấy tờ liên quan khác theo quy định.
Ở kênh bán hàng Facebook, không khí mùa trung thu còn nhộn nhịp hơn. Chủ các trang bán hàng tung hàng loạt mẫu mã bánh trung thu phong phú, làm kỳ công, bắt mắt, vỏ hộp đẹp, phù hợp biếu, tặng. "Mua bánh handmade có nhiều sự lựa chọn hơn bởi người bán hàng sáng tạo nhiều kiểu loại rất phong phú như bánh hình cá, heo, hoa nổi phối màu rực rỡ, bánh vỏ than tre, vẩy vàng, bánh nhân cốm tươi…
Giá bánh handmade tuy không thật sự rẻ nhưng cũng khá hợp lý so với bánh có thương hiệu. Tất nhiên, người tiêu dùng khi mua, phải chọn người bán hàng uy tín, nếu là người quen càng tốt" - chị Thanh Anh, một khách hàng đang tìm mua bánh trung thu trên mạng, cho biết.
Nhân bánh trung thu được bán trên một sàn TMĐT.
Chị Hải Hà (quận 3, TP.HCM), một khách hàng trung thành với các loại bánh nhà làm, cho rằng bánh loại này thường không sử dụng phẩm màu công nghiệp và hóa chất bảo quản như bánh của hãng nên không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Dù bánh trung thu nhà làm đang được bán khá nhiều trên các sàn TMĐT nhưng đến nay chưa có sàn nào đứng ra bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho khách hàng. Thay vào đó, họ yêu cầu người bán trên sàn phải có nghĩa vụ "tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT", theo quy định của Nghị Định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT.
Phía sàn chỉ có nghĩa vụ gỡ bỏ sản phẩm hoặc khóa tài khoản của người bán khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh của người tiêu dùng về chất lượng. "Chúng tôi tổng kiểm tra các sản phẩm đã được đăng bán trên sàn theo định kỳ ít nhất một lần/tháng thông qua đội ngũ nhân sự kiểm duyệt và danh sách từ khóa được đặt trên hệ thống. Nếu phát hiện vi phạm, công ty sẽ tạm khóa sản phẩm, tài khoản người bán có nghi vấn và yêu cầu người bán cung cấp tài liệu, chứng từ có liên quan. Tùy từng trường hợp, sẽ có mức độ xử lý khác nhau đối với những vi phạm của nhà bán hàng, từ cảnh cáo cho đến khóa tài khoản vĩnh viễn" - đại diện Shopee cho hay.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, chỉ còn gần 1 tháng nữa đến Tết Trung Thu nên công tác kiểm tra mặt hàng bánh trung thu đang tập trung vào khâu phân phối, còn công tác kiểm tra tại nơi sản xuất đã thực hiện trong 2 tháng qua.
Trong quá trình thanh, kiểm tra mặt hàng này, bên cạnh những nơi sản xuất, kinh doanh, có địa chỉ rõ ràng, đăng ký kinh doanh hợp pháp vẫn có những nơi bán bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ. "Hiện chúng tôi đang tập trung vào kiểm tra mặt hàng này, nếu bắt gặp bánh trung thu không nhãn mác, không nguồn rõ nguồn gốc sẽ tịch thu và tiêu hủy kèm theo hình thức phạt tiền theo khung quy định. Trong trường hợp này không cần phải đem hàng đi xét nghiệm mà có thể xử lý ngay" - bà Phong Lan nhấn mạnh.
Bà Lan cũng khẳng định dù bán hàng qua mạng hay qua kênh truyền thống như chợ, cửa hàng, siêu thị, người bán bánh trung thu đều phải tuân thủ quy định pháp luật. "Thường khi đến mùa này rất nhiều nơi rao bán "bánh trung thu nhà làm" và một số người tiêu dùng đã chọn mua. Tôi xin nói thẳng bánh trung thu nhà làm thì hãy để nhà ăn hoặc biếu tặng người thân quen ăn và chịu trách nhiệm với họ. Còn khi làm ra để bán cho nhiều người, số lượng lớn sẽ kèm theo nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Khi đó, sản phẩm buộc phải đáp ứng điều kiện về an toàn thực phẩm, được cơ quan chức năng thẩm định, đáp ứng đủ điều kiện thì mới sản xuất, khi sản xuất phải công bố chất lượng sản phẩm chứ không phải cứ nói "nhà làm" rồi bán tràn lan khắp nơi" - bà Phong Lan thẳng thắn và khuyên người tiêu dùng không nên dễ dãi, nên chọn mua bánh ở những địa chỉ hợp pháp để "tránh trường hợp mua xong có chuyện thì không biết kêu ai!".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!