ECB có khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ, sớm nhất vào tháng 7/2024

Kim Huệ-Thứ năm, ngày 26/10/2023 16:20 GMT+7

VTV.vn - Các chuyên gia kinh tế của Reuters cho rằng ECB có khả năng sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng sớm nhất vào tháng 7/2024.

Câu hỏi lãi suất cao hơn trong thời gian dài sẽ tiếp tục bao lâu sẽ là chủ đề lớn ở Athens ngày hôm nay (26/10).

Theo các chuyên gia, với lạm phát của khu vực đồng Euro tăng hơn gấp đôi mục tiêu và xung đột Israel - Hamas có nguy cơ đẩy giá năng lượng lên cao, cộng với sự biến động gần đây của thị trường trái phiếu, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ giữ nguyên mức lãi suất hiện nay trong thời gian tới.

Khảo sát của Reuters với 85 nhà kinh tế cho thấy, chu kỳ tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã kết thúc. Nguyên nhân do lạm phát tại khu vực châu Âu đã bắt đầu giảm xuống khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 4,3% trong tháng 9, mức thấp nhất trong gần hai năm. Tuy nhiên, Chủ tịch ECB bà Christine Lagarde cho biết áp lực giá vẫn "cao không mong muốn".

Chưa kể, sự bùng nổ xung đột Israel - Hamas đã làm tăng thêm những rắc rối tiềm tàng mà nền kinh tế khu vực đồng Euro phải đối mặt.

"Tôi nghĩ ECB sẽ không tăng lãi suất nữa. Các quan chức ECB sẽ tiếp tục lý giải lạm phát đang hạ nhiệt, nhưng tất nhiên họ biết châu Âu đang có một khoản nợ khổng lồ đầu tư một khoản chi lớn cho cơ sở hạ tầng, số hóa, bảo vệ khí hậu", ông Robert Halver, Trưởng phòng phân tích thị trường vốn tại Ngân hàng BAADER, cho biết.

ECB có khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ, sớm nhất vào tháng 7/2024 - Ảnh 1.

Biểu tượng đồng Euro tại Frankfurt, Đức. (Ảnh: Xinhua)

Trước đó, ECB đã tăng chi phí vay 10 lần liên tiếp. Điều này đã nâng lãi suất tiền gửi chuẩn từ mức thấp nhất mọi thời đại là âm 0,5% lên mức cao kỷ lục 4%. Tuy nhiên, các quan chức vẫn thận trọng về việc sẽ mất bao lâu để hoàn thành "chặng cuối cùng" trong hành trình đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.

Chưa kể, đợt bán tháo gần đây trên thị trường trái phiếu khiến chi phí đi vay của chính phủ lên mức cao nhất trong một thập kỷ đã khiến một số người lo lắng về khả năng thu hẹp bảng cân đối kế toán.

Họ cho rằng ECB cần sự linh hoạt để nhắm mục tiêu số tiền thu được từ trái phiếu đáo hạn nhiều hơn vào khoản nợ của bất kỳ quốc gia nào bị ảnh hưởng bởi sự phân mảnh mạnh về chi phí tài chính so với các quốc gia khác.

"Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta đang chịu một mức nợ khổng lồ trên toàn thế giới, tích tụ trong những năm lãi suất rất thấp và thậm chí âm sau lạm phát. Điều đó không còn có thể xảy ra với sự gia tăng ồ ạt của lãi suất. Vì vậy, quan điểm của tôi khá rõ ràng, các ngân hàng trung ương không thể tiếp tục chính sách tăng lãi suất. Không ai sẽ mạo hiểm với sự ổn định tài chính cả, họ sẽ thà chấp nhận lạm phát cao kéo dài còn hơn", ông Robert Halver nhận định.

Các nhà kinh tế của Reuters cho rằng ECB có khả năng sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng sớm nhất cũng phải là tháng 7/2024.

Chủ tịch ECB lạc quan về mục tiêu lạm phát 2% Chủ tịch ECB lạc quan về mục tiêu lạm phát 2%

VTV.vn - Chủ tịch ECB tin tưởng chính sách mà ECB thực hiện sẽ đưa lạm phát về mức mục tiêu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước