Sau gần hai tuần quyết định tăng lãi suất cho vay lên 4,5% - mức cao nhất kể từ khi đồng Euro ra đời vào năm 1999, mới đây Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde khẳng định lãi suất của ECB đã đạt đỉnh và ECB sẽ duy trì mức lãi suất này trong thời gian tới để kiềm chế lạm phát.
Phát biểu trước Ủy ban kinh tế thuộc Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu khẳng định ngân hàng này coi lãi suất của mình đã đạt mức đủ để duy trì trong một thời gian dài nhằm kéo lạm phát trở lại, gần mức mục tiêu trung hạn 2% đề ra.
Quyết định duy trì lãi suất cho vay cao trong một thời gian dài của Ngân hàng Trung ương châu Âu, diễn ra trong bối cảnh, lạm phát ở khu vực đồng Euro đã giảm xuống 5,2% trong tháng 8, với lạm phát cơ bản, khi loại trừ giá thực phẩm và năng lượng ở mức 5,3%.
Áp lực giá cả tại các nước châu Âu với người dân vẫn ở mức cao, khi các hộ gia đình phải gánh chịu chi phí năng lượng và lương thực tăng.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt, Đức. (Ảnh: Bloomberg)
Thực trạng trên khiến nhiều nhà kinh tế kêu gọi Ngân hàng Trung ương châu Âu, từ bỏ chu kỳ tăng lãi suất để tránh suy thoái kinh tế bởi sự sụt giảm trong đầu tư kinh doanh và nhu cầu xuất khẩu thấp làm giảm triển vọng tăng trưởng.
Vào đầu tháng 9, Ngân hàng Trung ương Anh đã tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất để đối phó với tình trạng kinh tế suy thoái.
Ước tính tăng trưởng chung của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu đã được điều chỉnh giảm xuống mức 0,8% cho năm 2023 từ mức dự báo trước đó là 1%, do hoạt động kinh tế đang đình trệ ở Đức. Bởi vậy việc duy trì lãi suất cho vay cao trong thời gian dài dù có thể kéo chỉ số lạm phát giảm song lại đè nặng lên đà tăng trưởng kinh tế châu Âu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!