Kế hoạch công nghiệp xanh của châu Âu
Thoả thuận Xanh châu Âu, sau 4 năm tập trung cho lĩnh vực năng lượng tái tạo đang chuyển sang bước tiếp theo, tập trung vào ngành công nghiệp nặng. Đây là phát biểu mới nhất được bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu đưa ra tại "Thông điệp liên minh 2023" trước Nghị viện châu Âu tuần qua.
Ra mắt vào cuối năm 2019, Thỏa thuận Xanh được coi là "chiến lược tăng trưởng mới" của châu Âu và là công cụ nhằm cụ thể hoá các mục tiêu khí hậu trong mọi hoạt động kinh tế. Giai đoạn tiếp theo của Thoả thuận Xanh chính là đẩy mạnh một nền công nghiệp xanh. Hiểu đơn giản đây sẽ là quá trình cải tổ ngành công nghiệp nặng cho phù hợp với mục tiêu giảm thải. Kế hoạch công nghiệp xanh của EU bao gồm 4 nội dung chính.
Thứ nhất là tăng tốc cấp phép. Theo đó, một dự luật sẽ được ban hành giúp tăng tốc cấp phép cho các nhà sản xuất sở hữu công nghệ như thu hồi và lưu trữ carbon, năng lượng tái tạo, sản xuất hydro và pin tái tạo.
Nội dung thứ hai là bổ sung trợ cấp, tăng cường hỗ trợ đầu tư vào năng lượng tái tạo hoặc công nghiệp khử carbon. Các quỹ hiện có của EU có thể cung cấp các khoản trợ cấp khoảng 250 tỷ Euro.
Thứ ba là nâng cao kỹ năng cho người lao động. Tăng cường công nhận bằng cấp trên toàn khối và từ các nước thứ ba liên quan đến công nghiệp xanh.
Nội dung cuối cùng trong bản kế hoạch công nghiệp xanh châu Âu là thúc đẩy thương mại. EC sẽ đẩy nhanh ký kết các thỏa thuận thương mại để nhanh chóng đảm bảo các nguồn cung cần thiết về nguyên liệu thô quan trọng trong ngành công nghiệp xanh.
Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết: "Ngành công nghiệp châu Âu đang cho thấy đã sẵn sàng tăng tốc quá trình chuyển đổi. Thực tế đã chứng minh rằng, hiện đại hóa và giảm phát thải có thể song hành. Trong 5 năm qua, số lượng nhà máy thép sạch tại Liên minh châu Âu đã tăng từ không có nhà máy nào lên 38 nhà máy. Từ gió đến thép, từ pin cho tới ô tô điện, tham vọng của chúng tôi rất rõ ràng, tương lai của ngành công nghệ sạch châu Âu phải được tạo ra ở châu Âu - đó là nhiệm vụ của chúng ta".
Chủ tịch Ủy ban châu Âu - bà Ursula von der Leyen. (Ảnh: EPA)
Công nghiệp luyện kim châu Âu phục hồi
Cũng trong bài phát biểu mới nhất của Chủ tịch Ủy ban châu Âu tuần qua, để thúc đẩy kế hoạch công nghiệp xanh này, 2 đạo luật chi tiết sẽ được cụ thể hoá và đưa ra bỏ phiếu. Đó là Đạo luật Công nghiệp Net-Zero và Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng. Hai đạo luật này nằm trong 2/4 nội dung chính của kế hoạch công nghiệp xanh.
Luyện kim là ngành công nghiệp đang chứng kiến những thay đổi tích cực theo hướng xanh hóa. Các nước châu Âu đang nỗ lực hồi sinh công nghiệp luyện kim, theo những chuẩn mực mới về môi trường và khí hậu. Sản xuất nhôm thép ngay trong lãnh thổ của mình trở nên quan trọng đối với nền kinh tế châu Âu, trong bối cảnh kinh tế thế giới phân mảnh.
Cách làm của châu Âu lúc này là sản phẩm nào bên ngoài rẻ hơn thì vẫn tiếp tục nhập khẩu nhưng với những đòi hỏi khắt khe thông qua Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM). Cùng với đó là luôn sẵn sàng tự sản xuất được ngay với một nguồn năng lượng sạch nếu nguồn cung bị gián đoạn.
Châu Âu hướng tới công nghiệp luyện kim bằng năng lượng sạch
Châu Âu trong vài chục năm qua đã chủ động tăng nhập khẩu nhôm thép, đồng thời thu hẹp công nghiệp luyện kim tiêu tốn năng lượng, ô nhiễm và làm hỏng cảnh quan. Nhưng bây giờ ngay cả các nước Bắc Âu giàu có và nổi tiếng thân thiện môi trường cũng phải hồi sinh ngành luyện kim.
Tờ Vastra Nyland ra tại Phần Lan cho biết, một công ty Na Uy đang dự định xây dựng nhà máy luyện thép ven bờ biển phía Nam Phần Lan với đầu tư ban đầu 4 tỷ Euro - lớn nhất từ trước đến nay ở Phần Lan.
Dự kiến nhà máy luyện thép sẽ sử dụng nguồn điện dồi dào từ các turbine gió dọc bờ biển và sẽ vận hành trong ba năm nữa. Bài báo viết: Dự án có ý nghĩa đặc biệt, hồi sinh ngành thép ở Phần Lan và Bắc Âu, mở đầu quá trình tái công nghiệp hóa sau một thời gian dài phi công nghiệp hóa.
Dự án luyện kim được hưởng trợ cấp của chính phủ Phần lan và của Liên minh châu Âu y như dự án nâng cấp các lò cao tại Italy. Tờ Mặt trời 24h viết: Tập đoàn thép Acciaierie d'Italy đã thông báo trong năm nay sẽ khôi phục hoạt động của lò cao luyện thép, dự kiến sản lượng năm nay 4 triệu tấn và nâng lên 5 triệu tấn trong năm sau 2024 bằng nguồn năng lượng sạch.
Tập đoàn này tham vọng cùng với khôi phục lò cao, sẽ là quá trình tái công nghiệp hoá và chuyển đổi môi trường của toàn bộ khu gang thép với các nhà máy được kết nối trong hệ thống cảng biển, hậu cần và các khu công nghiệp khác.
Cũng ở Nam Âu, Bộ Công nghiệp Tây Ban Nha vừa phê duyệt tài trợ 3 dự án công nghiệp của tỉnh Aragon, theo tờ El Periódico của nước này. Trong lĩnh vực luyện kim, Tây Ban Nha sẽ hỗ trợ xây dựng một nhà máy tái chế phế liệu thành nhôm cuộn, công suất 25.000 tấn, tổng vốn đầu tư 42 triệu Euro.
Bộ Công nghiệp Tây Ban Nha nhấn mạnh rằng Quỹ Hỗ trợ đầu tư công nghiệp vừa ra đời thể hiện quyết tâm của Chính phủ Tây Ban Nha thúc đẩy quá trình tái công nghiệp hóa.
Đầu tư luyện kim tại châu Âu tất nhiên tốn kém hơn rất nhiều so với nhập khẩu nhôm thép. Nhưng để tránh lệ thuộc, bắt buộc phải luôn luôn sẵn sàng, phòng khi nguồn cung gián đoạn. Tờ Le Figaro của Pháp có bài "Nước Pháp chật vật khôi phục khả năng cạnh tranh công nghiệp".
Chi phí nhân công quá cao, tới gần 40 Euro cho một giờ lao động, chi phí năng lượng không nhỏ, lại phải tuân thủ vô số điều luật bắt buộc giữ sạch nguồn nước, xử lý phế liệu, hạn chế bụi, giảm khí thải, ngăn tiếng ồn… ngành luyện kim châu Âu hồi phục là vì mục tiêu giảm lệ thuộc, chứ khó có thể cạnh tranh được với nhôm thép bên ngoài.
Rõ ràng, hướng tới một nền công nghiệp xanh là mục tiêu mà toàn bộ 27 nước thành viên EU sẽ cần hướng tới vì mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050. Tuy nhiên, quá trình này sẽ cần thời gian, bởi để vừa tự chủ sản xuất, vừa tuân thủ các quy định môi trường trong các thoả thuận xanh sẽ là bài toán cần nhiều lời giải.
"Xanh được mà cạnh tranh được" là một đề bài khó. Ngành công nghiệp châu Âu hướng tới xanh hơn lại phải đủ rẻ để cạnh tranh với các mặt hàng nhập khẩu, trước hết là mặt hàng nhôm thép.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!