Theo đó, châu Âu quyết định, trước cuối năm nay sẽ cắt giảm 90% lượng dầu mỏ mua từ Nga. Thượng đỉnh châu Âu đã quyết định chủ động từ bỏ nguồn dầu mỏ từ Nga - một biện pháp vừa nhằm giảm lệ thuộc vào Nga về năng lượng, lại vừa đánh vào nguồn thu chính của nước Nga.
"Một ý kiến quan trọng và được thống nhất trong Liên minh châu Âu đó là chúng ta phải ngưng mua nhiên liệu hóa thạch của nước Nga. Thứ nhất, dầu mỏ không tốt cho khí hậu. Thứ hai, quan trọng hơn nhiều, dầu mỏ bổ sung chiến phí cho nước Nga", bà Ursula Von Der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho hay.
Liên minh châu Âu phải nhập khẩu cả dầu mỏ và khí đốt của Nga nhưng với dầu mỏ thì mức độ lệ thuộc thấp hơn, cho nên mới cấm vận dầu mỏ của Nga trước, khí đốt tính sau.
Các nước châu Âu sẽ mua dầu mỏ từ nơi khác, vận chuyển tới châu Âu bằng tàu biển chở dầu. Chính vì vậy những nước châu Âu không có biển như Hungary, Slovaquie và Cộng hoà Czech đã không mấy đồng thuận.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho hay: "Cho tới nay, 5 gói cấm vận trước đã được đưa ra theo cách trừng phạt trước, tính tới hậu quả sau. Nhưng lần này là về năng lượng, có nhiều rủi. Do đó, chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận, tìm ra giải pháp thay thế đã hãy nói tới trừng phạt".
Lãnh đạo châu Âu cũng đã thảo luận vấn đề lấy tiền đâu để hỗ trợ nền kinh tế Ukraine. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, do nguồn thu sụt giảm vì công nghiệp và thương nghiệp đều bị tàn phá, Ukraine cần thêm tới 5 tỷ USD mỗi tháng mới có thể duy trì được nền kinh tế.
Ủy ban châu Âu đề xuất viện trợ Ukraine 9 tỷ Euro và Hội nghị thượng đỉnh sẽ phải quyết định xem khoản tiền này sẽ là cho vay dài hạn, hay là viện trợ không hoàn lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!