EU, Trung Quốc: Triển vọng về Hiệp định Đầu tư toàn diện còn xa vời?

Hồng Quang (PV thường trú Đài THVN tại châu Âu)-Thứ hai, ngày 05/06/2017 11:29 GMT+7

VTV.vn - Bối cảnh thế giới lúc này đang đẩy EU và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn nhưng triển vọng về một Hiệp định Đầu tư toàn diện giữa hai bên vẫn còn xa vời.

Cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và lãnh đạo châu Âu trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh tại Brussels là một trong những chủ đề thu hút sự chú ý của báo chí quốc tế.

Hai bên đã nhất trí được với nhau về nỗ lực chống biến đổi khí hậu, nhưng đã không thể ra được tuyên bố chung về thương mại. Báo chí châu Âu đã phân tích những bất đồng của hai bên, đặc biệt là nguyên nhân của bế tắc hiện nay giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc khi đàm phán Hiệp định Đầu tư.

Tờ Tiếng vang của Pháp có bài "Trung Quốc tuyên bố ủng hộ toàn cầu hóa kinh tế, nhưng vẫn chưa chịu mở cửa thị trường". Bài báo nhắc lại những tuyên bố mạnh mẽ của Trung Quốc tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos hồi đầu năm nay, đối chiếu với những gì mà doanh nghiệp châu Âu đang phải đối phó khi đầu tư vào Trung Quốc. Theo bài báo, 54% doanh nghiệp châu Âu cho rằng ngày càng khó làm ăn trên đất Trung Quốc do bị phân biệt đối xử, ví dụ như bị áp đặt các tiêu chuẩn môi trường ngặt nghèo hơn nhiều so với doanh nghiệp Trung Quốc. Có tới 11% các doanh nghiệp châu Âu thậm chí cho rằng Trung Quốc đang dần dần đóng cửa thị trường.

Trong khi đó, Trung Quốc luôn hối thúc các nước châu Âu mở cửa thị trường cho hàng hóa và đầu tư từ Trung Quốc. Tờ Le Figaro của Pháp trích lời một nhà ngoại giao châu Âu ở Bắc kinh, rằng "Chúng tôi ước gì Trung Quốc áp dụng trên thị trường Trung Quốc đúng những điều mà nước này đang cổ xúy trên thế giới", khi nói về bất bình đẳng trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp. Năm 2016, Trung Quốc đã đầu tư 35 tỷ Euro vào các nước châu Âu, nhưng theo chiều ngược lại chỉ là 8 tỷ, không phải là do các doanh nghiệp châu Âu không muốn tăng đầu tư vào Trung Quốc, mà do các rào cản dưới nhiều hình thức.

Tiêu chuẩn kép về mở cửa thị trường và toàn cầu hóa kinh tế là một trong những lý do cho tới lúc này Liên minh châu Âu vẫn chưa công nhận Trung Quốc có một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Tờ Tấm gương hàng ngày của Đức viết: "Các nước châu Âu vẫn do dự, một mặt là do vẫn cần đến thuế chống bán phá giá để đối phó với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, mặt khác do các doanh nghiệp châu Âu và Đức chưa lúc nào thôi phàn nàn về chuyện khó xâm nhập thị trường Trung Quốc".

Thực tế đó đang làm cho đàm phán Hiệp định Đầu tư trở nên khó khăn hơn. Tờ Berlingske của Đan Mạch viết: "Châu Âu và Trung Quốc nhất trí được về Thỏa thuận khí hậu, nhưng trong lĩnh vực thương mại thì vẫn còn những trở ngại rất lớn, dù cho hai bên có nhiều lợi ích chung". Bài báo viết: "Trung Quốc còn khá xa một nền kinh tế mậu dịch tự do theo đúng nghĩa, cho nên ngay cả khi châu Âu muốn thúc đẩy quan hệ thương mại, thì cuộc gặp tại Brussels cũng không thể tạo đột phá gì cả".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước