EVFTA và EVIPA: Cơ hội song hành cùng thách thức với Việt Nam

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 14/06/2020 12:05 GMT+7

VTV.vn - Việc thông qua Hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ tạo ra cơ hội để Việt Nam - EU phát triển, hợp tác, tuy nhiên đi cùng với đó là những khó khăn, thách thức.

Tuầnqua, Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội tiếp tục diễn ra theo phương thức họp tập trung. Ngay trong ngày đầu tiên của tuần họp đợt 2 này, với số phiếu gần tuyệt đối, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Một sự kiện mang tính lịch sử trong quan hệ giữa Việt Nam và EU. Nhiều tờ báo đã dành thời lượng đáng kể để nói về sự kiện quan trọng này.

Cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Trang nhất tờ Thanh Niên cho rằng việc thông qua 2 hiệp định sẽ tạo cơ hội để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, với hình ảnh sản xuất của ngành dệt may, một ngành được cho là sẽ hưởng lợi lớn khi có EVFTA.

EVFTA và EVIPA: Cơ hội song hành cùng thách thức với Việt Nam - Ảnh 1.

Hiệp định EVFTA và EVIPA đã chính thức được Quốc hội phê chuẩn sau gần 10 năm chờ đợi. (Ảnh: Reuters)

Tờ báo trích lời ông Lê Tiến Trường (Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may) cho rằng muốn thắng trong cạnh tranh toàn cầu, nỗ lực của doanh nghiệp là không đủ mà đó phải là nỗ lực quốc gia, có chiến lược rõ ràng và có cách thức thực thi hiệu quả.

Còn trên tờ Nông nghiệp Việt Nam, trang nhất tờ báo đã dùng hình ảnh ví von EVFTA và EVIPA - "song mã" kéo cỗ xe nông sản Việt sang châu Âu. Bài viết phân tích các mặt hàng hoa quả, rau củ của EU có thể nhập vào Việt Nam mang tính bổ trợ cho hoa quả trung nước nên phải chuẩn bị để đón làn sóng này. Trong khi đó, nông sản Việt có đặc tính chất lượng tốt được châu Âu rất ưa chuộng, tuy nhiên hạn chế lớn nhất hiện nay là các tiêu chuẩn sản xuất phải hướng tới GlobalGAP và EuroGAP thì mới kéo được cỗ xe nông sản sớm sang châu Âu.

EVFTA và EVIPA - Cơ hội "vàng" để Việt Nam đón làn sóng dịch chuyển đầu tư

Việc được tuyệt đại đa số các đại biểu phê chuẩn 2 hiệp định là kết quả tốt đẹp cho những nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị, từ Đảng, chính phủ, Quốc hội đến các cơ quan chức năng trong việc vận động để thúc đẩy thông xe tuyến cao tốc nối liền Việt Nam và Liên minh châu Âu.

EVFTA và EVIPA: Cơ hội song hành cùng thách thức với Việt Nam - Ảnh 2.

Cùng với dệt may, da giày là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Hành trình 10 năm từ lúc đàm phán đến ký kết, phê chuẩn hiệp định thương mại tự do phải trải qua nhiều dấu mốc để hội đồng châu Âu thông qua, cho đến ngày 8/6 khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn. Hành trình này đã được tờ Tuổi trẻ vẽ lại đồ họa rất chi tiết.

Việc thông qua cũng khẳng định thông điệp Việt Nam ủng hộ tự do thương mại công bằng và dựa trên luật lệ, cũng như nền kinh tế Việt Nam vững vàng tiến ra biển lớn, bất chấp những thách thức chưa từng có đối với toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra.

"Lợi ích chỉ có thể xảy ra khi có đầu tư, mà đầu tư chỉ đến khi có thương mại mạnh" - Đại sứ phái đoàn EU tại Việt Nam - ông Giorgio Aliberti - đã chia sẻ như vậy với tờ Lao Động.

Theo ông Giorgio Aliberti, các chính sách thu hút đầu tư cần đặt trong bối cảnh có sức hút toàn diện chứ không chỉ ưu đãi giảm thuế cho doanh nghiệp. Quan trọng là các chính sách cần được xây dựng mang tính đa chiều để tạo ra môi trường thuận lợi, hấp dẫn, minh bạch trong thủ tục hành chính và thực thi chính sách, có tính đoán định được và có cơ chế để giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên nhiều thách thức cũng còn ở phía trước, có nhiều cơ hội để hàng Việt Nam xuất hiện ở thị trường châu Âu cũng có nghĩa là phải đáp ứng những tiêu chí ngặt nghèo của khu vực này. Trên tờ Tuổi trẻ, một doanh nhân Việt tại Pháp đã chia sẻ câu chuyện như ở Pháp và Italy, tiêu chuẩn xuất khẩu mật ong còn phải xem xét tới cách nuôi ong, giết ong hay không; hay như bao bì khẩu trang vải kháng khuẩn phải để riêng từng bao một, không nên 5 cái một bao.

EVFTA và EVIPA: Cơ hội song hành cùng thách thức với Việt Nam - Ảnh 3.

Hiệp định EVFTA được thực thi sẽ là điều kiện thuận lợi để Việt Nam tận dụng những cơ hội mới sau đại dịch. (Ảnh: DW)

Ngoài ra, hiệp định này sẽ là sức ép để doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh lành mạnh hơn. Cơ quan chức năng cũng phải triệt phá hàng xách tay, hàng lậu, hàng nhái, kiểm soát cá nhân không đăng ký kinh doanh bán hàng qua mạng xã hội; nếu quản lý lỏng lẻo, xem như vi phạm luật cạnh tranh.

Chớp thời cơ

Đề cập đến Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA), tờ Thanh niên bình luận, EVIPA sẽ đặt các cơ quan nhà nước Việt Nam vào vị thế buộc phải thực thi công vụ một cách cẩn trọng và kỷ luật, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị kiện nếu gây ảnh hướng đến nhà đầu tư của EU.

Dự kiến tới ngày 1/8 tới đây, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu sẽ chính thức đi vào thực thi. Nói như tờ Tuổi trẻ, chúng ta chuẩn bị bán hàng cho người châu Âu, nhưng quan trọng là sẽ bán thế nào; bởi ví dụ như ngành dệt may, không phải chỉ đơn thuần đáp ứng yêu cầu "từ vải trở đi", mà doanh nghiệp đua nhau đổ tiền đầu tư vải thì sẽ dẫn tới nguy cơ thua lỗ.

Do đó, lúc này, cần phải suy nghĩ "nát óc" để có thể khai thác tốt nhất EVFTA mà không bị "uống nước đục" hoặc tự làm khó mình bởi các quyết định không cân nhắc trước sau, nếu các doanh nghiệp Việt Nam cứ máy móc đầu tư khép kín để đáp ứng điều kiện miễn thuế, không khéo lợi bất cập hại. Đó chính là thử thách để các doanh nghiệp chọn cho mình hướng đi đúng khi tham gia khai thác các lợi ích từ EVFTA.

EVFTA giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư mới cho các nhà chế tạo EVFTA giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư mới cho các nhà chế tạo

VTV.vn - Theo Nikkei Asia Review, việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định EVFTA là động thái có thể giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư mới cho các nhà chế tạo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước