Chiều 31/3, Bộ Công Thương tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Báo cáo cho biết tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 419.032 tỷ đồng; năm 2022 là 493.265 tỷ đồng. Chi phí bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành.
Cũng theo báo cáo, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,9 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020; giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,2 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.
"Việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm căn cứ trên các tài liệu do EVN và các đơn vị thành viên cung cấp, gồm: Báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán bởi Công ty Deloitte Việt Nam; báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán của EVN…", Bộ Công Thương cho biết.
Bộ Công Thương tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
Ngoài ra theo báo cáo của Bộ Công Thương, sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2021 là 225,30 tỷ kWh, tăng 3,8% so với năm 2020. Doanh thu bán điện thương phẩm năm 2021 là 418.056 tỷ đồng, tăng 5,9% so với năm 2020. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2021 là 1.855,5 đồng/kWh, tăng 1,94% so với năm 2020.
Sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2022 là 242,72 tỷ kWh, tăng 7,73% so với năm 2021. Doanh thu bán điện thương phẩm năm 2022 là 456.971 tỷ đồng, tăng 9,31% so với năm 2021. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2022 là 1.882 đ/kWh, tăng 1,46% so với năm 2021.
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058 tỷ đồng.
Như vậy, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện (bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) năm 2022 của EVN lỗ 26.235 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về việc khi nào điều chỉnh giá điện, ông Trần Việt Hoà - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện được thực hiện theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, cơ chế điều chỉnh sẽ căn cứ vào các thông số đầu vào, nếu thông số đầu vào tăng từ 3% trở lên thì sẽ điều chỉnh tăng giá bán lẻ, còn nếu thông số đầu vào giảm thì sẽ giảm giá bán lẻ.
"Trong thời gian qua, EVN đã xây dựng những phương án để điều chỉnh giá điện và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã rà soát, kiểm tra các phương án của EVN. Tuy nhiên, giá điện tác động mạnh đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô và đời sống người dân, nên Bộ Công Thương cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét", ông Hoà nói.
Trước đó, hồi tháng đầu tháng 2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký quyết định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân mới trong khoảng 1.826,22-2.444,09 đồng/kWh. Việc ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân mới là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định về mức tăng giá bán lẻ điện bình quân cụ thể trong năm nay. Lần cuối cùng điều chỉnh giá bán điện gần đây nhất vào tháng 20/3/2019.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!