"Gần như tất cả các nước đều áp dụng giá điện bậc thang, gồm cả nước giàu như Mỹ, Nhật… cũng như các nước nghèo", ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết tại buổi Tọa đàm "Ghi chỉ số điện và quy trình quản lý công tơ điện" diễn ra vào chiều nay (14/7).
Theo ông Dũng có 2 lý do để cách tính điện này được áp dụng phổ biến, đó là biểu giá điện bậc thang có mục tiêu rõ ràng là khuyến khích việc tiết kiệm điện. Thứ 2, việc áp dụng biểu giá điện bậc thang, người dùng ít điện sẽ trả được tính với biểu giá thấp hơn, do đó trả tiền điện ít hơn. Ông Dũng nhấn mạnh đây là sự nhân văn trong chính sách.
Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh của EVN
Trả lời câu hỏi của báo chí là biểu giá này còn phù hợp ở thời điểm hiện tại hay không, đại diện phía EVN cho biết nhu cầu điện của người dân càng ngày càng tăng lên, do đó mức độ sử dụng bình quân của các hộ cũng tăng lên.
"Nếu như trong năm 2016, mức sử dụng điện bình quân của một hộ là 156 kWh/tháng, thì nay đã tăng lên 189 kWh/tháng. Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập người dân tăng lên, dùng nhiều thiết bị điện hơn", ông Dũng cho biết.
Hiện giá bán điện được EVN tính theo biểu giá bậc thang gồm 6 bậc
Theo ông Dũng, nếu chúng ta tiếp tục hướng tới mục tiêu là tiết kiệm điện và hỗ trợ người nghèo thì nên tiếp tục áp dụng giá điện bậc thang.
"Ít ra là chúng ta đi theo con đường của những nước văn minh trên thế giới", ông Dũng khẳng định.
Một giá hay nhiều bậc?
Trước đó, với tình hình nhiều hộ khách hàng phản ánh tiền điện tăng cao, nguyên nhân do nắng nóng nên nhu cầu sử dụng các thiết bị điện, tiêu hao năng lượng lớn hơn để làm mát tăng lên, Bộ Công Thương đang nghiên cứu phương án cho phép khách hàng dùng điện sinh hoạt được lựa chọn cách tính giá điện hoặc 1 giá hoặc theo biểu giá bậc thang 5 bậc.
Tính toán ban đầu của Bộ Công thương cho thấy, những người sử dụng nhiều điện, trên 400 kWh, sẽ chọn phương án một giá điện. Trong khi đó, những người sử dụng bình quân dưới 400 kWh, hiện chiếm 70 - 80% tổng số lượng khách hàng có thể sẽ chọn biểu giá điện bậc thang do vẫn được hưởng lợi hơn.
Bộ Công Thương đang nghiên cứu phương án cho phép khách hàng dùng điện sinh hoạt được lựa chọn cách tính giá điện hoặc 1 giá hoặc theo biểu giá bậc thang 5 bậc
Khi được hỏi về quan điểm về việc nên áp dụng cách tính giá điện nào để vừa đảm bảo quyền lợi người dùng, vừa đảm bảo tình hình tài chính của EVN, ông Dũng nhấn mạnh tập đoàn thực hiện nghiêm túc biểu giá được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương ban hành.
"Quan điểm của EVN làm thế nào mà làm cho người dân hài lòng nhất. Nếu chúng ta có 1 biểu giá, hay nhiều biểu giá, cái gì mà làm người dân cảm thấy công khai minh bạch làm hài lòng nhất cho người dân thì cái đấy là cái mà EVN mong muốn", ông Dũng cho biết.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, hiện nay, tính bình quân trên cả nước có khoảng 18,7 triệu hộ dân sử dụng 200kwh/tháng (chiếm 75% trên tổng số hộ dùng điện). Nếu tính theo cách tính điện 1 giá, số tiền điện sẽ phải tăng thêm 10% so với giá điện hiện nay.
Còn khoảng 6,3 triệu hộ còn lại sử dụng 60% sản lượng điện bán ra với lượng điện tiêu thụ từ 201kwh/tháng trở lên, tiền điện sẽ giảm đi so với hiện hành khoảng 25 - 30%.
Theo ông Nguyễn Tiến Thoả, nếu sử dụng 300 kwh/tháng. Tính theo phương pháp bậc thang:
Bậc 1: 50kwh * 1.678 VNĐ = 83.900VNĐ
Bậc 2: 50kwh * 1.734 VNĐ =86.700 VNĐ
Bậc 3: 100kwh * 2.014 VNĐ =201.400 VNĐ
Bậc 4: 100kwh * 2.536 VNĐ = 253.600 VNĐ
Tổng tiền điện 4 bậc sẽ là 625.600 VNĐ
Nếu tính theo phương án điện 1 giá, tiền điện sẽ là 300kwh * 1,864 VNĐ= 559.200 VNĐ
Như vậy, điện 1 giá sẽ thấp hơn điện bậc thang là 66,400 VNĐ/tháng. Người dân chọn tính tiền điện 1 giá sẽ có lợi hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!