Tăng trưởng kinh tế đang ổn định
Tăng trưởng kinh tế đang ổn định nếu không muốn nói là tăng lên, trong khi lạm phát vẫn luôn hiện hữu. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương vẫn thiếu tự tin trong quyết định cắt giảm lãi suất và thậm chí một số ít người cho rằng ngân hàng có thể sẵn sàng tăng lãi suất nếu lạm phát trở nên tồi tệ hơn
Một loạt dữ liệu kinh tế tích cực hơn dự kiến, cùng với bình luận mới từ các nhà hoạch định chính sách, đang cho thấy rằng việc nới lỏng chính sách khó xảy ra trong ngắn hạn. Các nhà giao dịch trong tuần này đã định giá lại các hợp đồng tương lai theo hướng lãi suất sẽ không được điều chỉnh giảm vào tháng 9, và dự đoán sẽ chỉ có một đợt hạ lãi suất vào cuối năm nay.
Phản ứng của thị trường là không mấy dễ chịu. Chứng khoán đã trải qua ngày giao dịch tồi tệ nhất năm 2024 hôm 22/5 và Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones đã phá vỡ chuỗi 5 tuần tăng điểm trước thềm kỳ nghỉ Lễ Chiến sỹ trận vong (Memorial Day).
Trong khoảng hơn một tuần qua, một thông điệp khá rõ ràng đã được phát đi: Tăng trưởng kinh tế đang ít nhất là ổn định, nếu không muốn nói là đang tăng lên, trong khi lạm phát luôn hiện hữu giữa bối cảnh người tiêu dùng và các nhà hoạch định chính sách vẫn cảnh giác với chi phí sinh hoạt cao.
Một ví dụ là việc số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần đã tăng chậm lại sau khi đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 8/2023 cách đây vài tuần, cho thấy tốc độ sa thải nhân công đang chững lại. Sau đó, một cuộc khảo sát được công bố trong tuần cũng cho thấy sự mở rộng mạnh mẽ hơn dự kiến ở cả lĩnh vực dịch vụ và sản xuất, đồng thời các nhà quản lý mua hàng báo cáo lạm phát mạnh mẽ hơn.
Không có nhiều lý do để Fed nới lỏng chính sách tại thời điểm này
Không có lý do để giảm lãi suất
Các số liệu được đưa ra một ngày sau khi biên bản cuộc họp gần đây nhất của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) được công bố, cho thấy các ngân hàng trung ương vẫn thiếu tự tin trong việc cắt giảm lãi suất. Thống đốc Fed Christopher Waller hồi đầu tuần cho biết, điều ông cần là những dữ liệu cho thấy lạm phát đã giảm trong vài tháng trước khi quyết định hạ lãi suất được đưa ra.
Tổng hợp lại thì không có nhiều lý do để Fed nới lỏng chính sách tại thời điểm này. Nhà kinh tế Michael Gapen của ngân hàng Bank of America (BofA) cho biết: "Bài phát biểu gần đây của Fed và biên bản họp tháng Năm của FOMC cho thấy rõ rằng các yếu tố như lạm phát bất ngờ tăng trong năm và việc các hoạt động kinh tế vẫn rất vững chắc, khả năng lãi suất được điều chỉnh trong thời điểm hiện tại là thấp".
Chuyên gia này cho biết thêm rằng "dường như đã có sự đồng thuận mạnh mẽ rằng chính sách nằm đang trong phạm vi hạn chế và vì vậy việc tăng lãi suất là không quá cần thiết". BofA cho rằng Fed có thể đợi đến tháng 12 để bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Một số thành viên tham gia cuộc họp của FOMC gần đây nhất thậm chí còn tự hỏi liệu "lãi suất cao sẽ có tác động nhỏ hơn so với trước đây hay không", biên bản nêu rõ.
Những dữ liệu sắp được công bố
Các nhà kinh tế như ông Gapen và những người khác ở Phố Wall sẽ xem xét kỹ lưỡng các dữ liệu được công bố vào tuần tới, khi Bộ Thương mại công bố báo cáo hàng tháng về thu nhập và chi tiêu cá nhân, trong đó sẽ bao gồm Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát quan trọng hàng đầu của Fed.
Sự đồng thuận không chính thức là mức tăng hàng tháng từ 0,2% đến 0,3%, nhưng ngay cả mức tăng tương đối im lặng đó cũng có thể không khiến Fed có nhiều tự tin để cắt giảm. Với tốc độ đó, lạm phát hàng năm có thể sẽ chỉ ở mức 3%, hoặc vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed.
Ông Gapen cho biết: "Nếu dự báo của chúng tôi là chính xác, tỷ lệ lạm phát so với cùng kỳ năm trước sẽ chỉ giảm một vài điểm cơ bản xuống 2,75%. Có rất ít dấu hiệu cho thấy lạm phát đang lùi về mức mục tiêu của Fed".
Nếu như hồi đầu năm nay, các nhà giao dịch dự đoán Fed sẽ có ít nhất sáu lần cắt giảm lãi suất, thì thông qua việc định giá lại trong phiên ngày 24/5, họ đã cho thấy kỳ vọng rằng có đến 60% khả năng thể chế của nước Mỹ sẽ chỉ điều chỉnh lãi suất 1 lần duy nhất trong năm nay.
Lãi suất quỹ liên bang chuẩn của Fed ở mức 5,25-5,50% kể từ tháng 7 năm ngoái.
Nhà kinh tế David Mericle của ngân hàng Goldman Sachs cho biết: "Chúng tôi tiếp tục coi việc cắt giảm lãi suất là tùy chọn, điều này làm giảm bớt tính cấp bách. Trong khi ban lãnh đạo Fed dường như có cùng quan điểm với chúng tôi về triển vọng lạm phát và có thể sẽ sẵn sàng cắt giảm, một số thành viên FOMC dường như vẫn lo ngại hơn về lạm phát và tỏ ra lưỡng lự".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!