Cá ngừ đại dương được kiểm tra chất lượng tại cảng Hòn Rớ, Khánh Hòa trước khi được chuyển đến các nhà máy chế biến. (Ảnh: TTXVN)
Hải sản là mặt hàng chiếm 35% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước. Trong đó, cá ngừ tăng trưởng 59% - mức cao nhất, đạt hơn 462 triệu USD; cua ghẹ, giáp xác khác và mực, bạch tuộc tăng lần lượt 47% và 28%...
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, mặc dù ảnh hưởng bởi chính sách "Zero COVID-19" từ Trung Quốc nhưng sức tiêu thụ hải sản trên thế giới vẫn tăng cao. Đặc biệt, chiến tranh Nga - Ukraine làm tăng giá hàng hóa khi chi phí đầu vào leo thang nhưng nhờ cân đối chi phí, hàng Việt ngày càng có sức hút và cạnh tranh trên thị trường.
Ngoài Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Pháp là những thị trường tiêu thụ sản phẩm cua ghẹ chính của Việt Nam, chiếm hơn 91% tổng giá trị xuất khẩu. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu cua, ghẹ sang Mỹ tăng liên tục nhờ nước này đã mở cửa hoàn toàn trở lại.
Với thị trường EU, xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam cũng phục hồi. trong đó, Pháp đang là thị trường nhập khẩu lớn nhất trong khối.
Trong bối cảnh thị trường thế giới tăng nhập hải sản, tình hình trong nước lại diễn biến thiếu tích cực khi hoạt động khai thác thủy sản giảm vì chi phí khai thác cao. Do vậy, nguồn nguyên liệu hải sản để chế biến xuất khẩu tiếp tục là bài toán khó với các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!