Theo thống kê, năm 2015 lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc lên đến 3,35 triệu tấn, tăng mạnh so với 2,2 triệu tấn vào năm 2012. Hiện Việt Nam đang là nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Trung Quốc với 54% thị phần. Tuy nhiên, khảo sát tại các siêu thị ở Trung Quốc, vẫn chưa thấy gạo xuất xứ Việt Nam.
“Thứ nhất đặc điểm nhập khẩu gạo của Trung Quốc từ Việt Nam chủ yếu là các loại gạo chất lượng không cao và giá thành thấp, tuy nhiên khi mang về Trung Quốc họ sử dụng để chế biến các sản phẩm từ gạo như bánh, bột gạo, mỳ. Thứ hai, khi gạo Việt Nam sang đến Trung Quốc, các đối tác Trung Quốc trộn với gạo nội địa cũng như gạo của các nước khác để phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng. Do đó chúng ta không trực tiếp thấy được thương hiệu gạo của Việt Nam tại siêu thị”. Ông Bùi Huy Hoàng - Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho biết.
Trong khi đó, gạo của Lào, Campuchia lại xuất hiện thường xuyên trên kệ hàng trong các siêu thị ở Trung Quốc, các nước châu Âu. Lý do là vì gạo Campuchia có thương hiệu, chất lượng đạt sự đồng nhất nhờ xây dựng được những vùng nguyên liệu tập trung, bao bì đạt chuẩn nên dù giá bán rất cao vẫn có người mua. Theo các chuyên gia, đây là những kinh nghiệm rất tốt giúp Việt Nam chiếm được niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, hiện nay ở trình độ phát triển tương đối cao của thị trường Trung Quốc, họ có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm chất lượng tốt từ nước ngoài. Do đó, bản thân doanh nghiệp nên phối hợp cơ quan quản lý Nhà nước để tìm hiểu thông tin về thị trường, tập quán kinh doanh cũng như thói quen tiêu dùng của thị trường, qua đó các doanh nghiệp có thể cải tiến, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!