Gấp rút lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

VTV Digital-Thứ ba, ngày 14/02/2023 06:04 GMT+7

VTV.vn - Việc lấy ý kiến nhân dân góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang đi vào giai đoạn nước rút khi chỉ còn 1 tháng nữa, cụ thể là vào ngày 15/3, sẽ là thời điểm hạn cuối.

VTVMoney đã theo sát quá trình lấy ý kiến người dân, cộng đồng doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra dự thảo. Vậy đến thời điểm này, các vấn đề nào đang được người dân quan tâm và cần được bổ sung, chỉnh sửa trong Dự thảo Luật Đất đai?

Dự thảo Luật Đất đai có rất nhiều quy định ảnh hưởng sát sườn tới quyền lợi của người dân. Bởi vậy, việc thu nhập ý kiến từ phía nhân dân trong vòng 1 tháng nữa rất quan trọng. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng vừa ký Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật này. Công điện nêu rõ: Tiến độ triển khai lấy ý kiến nhân dân ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn rất chậm. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương tổ chức lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). VTVMoney đã gửi đã ghi nhận một số ý kiến góp ý từ thị trường.

Các vấn đề được quan tâm trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Những vấn đề được quan tâm, tập trung nhiều ý kiến nhất xung quanh dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tiếp tục là các nội dung: Bỏ khung giá đất, cách tính giá đất theo giá thị trường, vấn đề thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Nhiều doanh nghiệp đánh giá, các thay đổi trong Luật có thể là tạo ra sự "thành - bại" đối với không ít dự án, ngoài ra còn tác động trực tiếp đến đời sống của người dân sống quanh vùng dự án.

Gấp rút lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty Cổ phần GP Invest, cho biết: "Quan niệm giá đất thị trường sát với thị trường được xây dựng như thế nào. Cần phân biệt rõ giá đền bù và giá đất. Xây dựng giá đền bù như thế nào, giá đất như thế nào vẫn là cái theo tôi chưa rõ ràng, cần hài hòa lợi ích. Thứ 2, vấn đề giải phóng mặt bằng, các dự án Nhà nước thu hồi đất hay doanh nghệp tự thỏa thuận. Nếu là Luật 10 năm sau mới thay đổi được, phải cân nhắc, nếu làm không chính xác sẽ ảnh hưởng tới cả thị trường, cả nền kinh tế nói chung".

Các doanh nghiệp, hiệp hội cũng kỳ vọng, lần sửa đổi luật Đất đai này sẽ giải quyết đồng bộ các vấn đề trên thị trường bất động sản. Bởi lẽ, việc đầu tư xây dựng dự án có rất nhiều khâu, nếu chỉ thực thi được một công đoạn thì vẫn không giải toả được điểm nghẽn.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nói: "Chúng tôi nghĩ không phải là vấn đề mà phải là tổng thể các vấn đề: quy hoạch sử dụng đất liên quan đến giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng thì phải có đền bù, thu hồi, thu hồi thì người sử dụng đất phải nộp thuế như thế nào… Tất cả vấn đề đó phải liên thông với nhau".

Phía cơ quan soạn thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp thu để có những điều chỉnh phù hợp với các đề xuất được đưa ra.

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: "Vẫn còn một số băn khoăn như giá đất sẽ được xây dựng như thế nào, xây dựng 1 năm 1 lần hay 5 năm 1 lần và nguồn kinh phí để xây dựng bảng giá đất. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tiếp nhận và xây dựng phương án hỗ trợ các địa phương thực hiện theo các nghị định thông tư đi kèm với".

Người dân, doanh nghiệp và các địa phương chính là những đối tượng thực thi và sẽ chịu tác động trực tiếp từ các thay đổi trong Luật Đất đai. Bởi vậy, thời gian 1 tháng còn lại để lấy ý kiến có tầm quan trọng rất lớn. Không chỉ là vấn đề đảm bảo tiến độ, mà còn để các quy định trong dự thảo Luật thật sự sát, phù hợp với thị trường, gỡ bỏ được các vướng mắc, đảm bảo lợi ích của các bên liên quan.

Ngoài các vấn đề quan trọng trên, người dân đặc biệt quan tâm tới việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hay còn lại là sổ đỏ bởi trước đây, do một số quy định chưa rõ ràng, đã gây không ít vướng mắc, khiến việc cấp sổ đỏ gây mất thời gian, thậm chí là không có giải pháp xử lý dứt điểm. Trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, đã có những quy định mới nhất, rất đáng chú ý về vấn đề này. Tập trung ở 2 nội dung chính.

Thứ nhất, Dự thảo quy định rõ ràng 5 trường hợp không được cấp sổ đỏ, nhằm chấm dứt những tranh cãi, tranh chấp không hồi kết. Đó là: Đất thuộc quỹ đất công ích của cấp xã; Đất được giao để quản lý; Đất thuê, thuê lại hoặc nhận khoán; đất đã được đăng ký vào sổ địa chính nhưng đã có quyết định thu hồi đất trừ trường hợp đã quá 03 năm; đất được giao đất không thu tiền để xây dựng công trình công cộng.

Thay đổi thứ 2 liên quan tới việc cấp sổ đỏ, tôi xin nhấn mạnh, quy định này có liên quan tới rất nhiều các gia đình đang sở hữu chung đất. Trước đây, chúng ta thường bắt gặp những sổ đỏ cấp cho cả gia đình, nhưng chỉ ghi tên chủ hộ hoặc người đại diện và kèm theo chữ "Hộ ông/hộ bà/hộ ông bà…" ở đằng trước tên. Đến khi mua bán, thế chấp, việc lấy ý kiến của tất các thành viên gia đình vô cùng phức tạp, mất thời gian hoặc là xảy ra tranh chấp, kiện tụng giữa các thành viên. Nhưng nay, Dự thảo Luật đề xuất: Sổ đỏ sẽ ghi đầy đủ tên thành viên trên Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.

Trong lần lấy ý kiến lần này, nhiều người dân tại các dự án chung cư ở các thành phố lớn, cũng có đề xuất quy định rõ ràng trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ đầu tư trong việc làm sổ đỏ cho người dân, hình thức xử phạt, không giao đất, giao dự án mới cho các chủ đầu tư chây ỳ. Bởi Luật Đất đai sẽ là nền tảng quan trọng để xây dựng Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản cũng sẽ được chỉnh sửa trong thời gian tới.

Đẩy nhanh cấp sổ đỏ tại các chung cư

Gấp rút lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh 2.

Tại Hà Nội, nhiều chung cư người dân đã vào ở rất lâu, nhưng vẫn chưa hề nhận được sổ đỏ. Nguyên nhân xuất phát từ những sai phạm của chủ đầu tư dự án trong việc giao đất, xây sai quy hoạch được duyệt hoặc không hoàn thiện hệ thống kỹ thuật, như phòng cháy chữa cháy.

Trái ngược với tình trạng đó, một số chung cư tại quận Cầu Giấy, Hà Nội có tốc độ làm sổ đỏ nhanh nhất trên thị trường. Ngay khi người dân nhận bàn giao nhà, các thủ tục giấy tờ đã được tiến hành. Và sau khoảng gần 6 tháng, sổ đỏ đã được trao cho các gia đình. Hàng loạt các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cũng đã đi vào hoạt động.

Chị Lê Thu Giang, TP Hà Nội, cho biết: "Nhiều dự án xây 5-6 năm mà chưa có sổ đỏ. Về đây mình rất yên tâm khi chủ đầu tư khi chủ đầu tư thông báo là sổ đỏ, nên mình rất yên tâm. Tâm lý của người mua nhà bao giờ cũng muốn được cầm sổ đỏ trong tay, tòa nhà đó đủ mọi yếu tố thì mình với nhận được sổ đỏ sớm như thế".

Thực tế, việc cấp sổ đỏ hoàn toàn có thể tiến hành nhanh nếu như chủ đầu tư chấp hành đúng các quy định của pháp luật và theo sát quá trình làm thủ tục hồ sơ cho người dân tại văn phòng đất đai. Tuy nhiên, điều này đã bị nhiều chủ đầu tư cố tình "bỏ quên", chỉ đặt mục tiêu bán được nhanh căn hộ.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty Cổ phần GP Invest, nói: "Đây là 1 tiêu chí lựa chọn của khách hàng, khách hàng ngày càng tinh hơn. Trước đây cứ có dự án là họ mua, giờ khách hàng xem xét rất cẩn thận, từ chất lượng xây dựng, pháp lý, uy tín chủ đầu tư. Tôi cho đây là sự sàng lọc của thị trường".

Các chuyên gia cho rằng, sắp tới, việc sửa đổi các Luật, trước mắt là Luật Đất đai, sau đó cần quy định rất rõ trách nhiệm của các chủ đầu khi thực hiện các dự án chung cư. Tránh cảnh người dân đã nộp gần hết hoặc toàn bộ số tiền, nhưng vẫn chưa được đảm bảo quyền lợi, đặc biệt là việc cấp sổ đỏ, đồng thời có thể xếp loại, đánh giá năng lực của cá chủ đầu tư trong các dự án được giao đất tiép theo, hạn chế các doanh nghiệp yếu kém, thiếu trách nhiệm.

Theo thông tin mới nhất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng kế hoạch rất cụ thể cho đợt lấy kiến góp ý đợt cuối cùng cho dự thảo này. Bắt đầu từ sau ngày 20/2, Bộ sẽ tiến hành các đoàn công tác, thậm chí đoàn công tác là do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì sẽ xuống làm việc với địa phương, để lấy nhiều ý kiến nhất từ địa phương. Các hình thức lấy kiến gồm: Góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức các hội thảo, tọa đàm hoặc góp ý trực tiếp thông qua website luatdatdai.monre.gov.vn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước