Khơi thông các tuyến giao thông thủy để phát triển logistics cho Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đề cập trong quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thực tế trong 2 năm dịch bệnh vừa qua, các tuyến đường thủy đã trở thành những "luồng xanh" vận tải hàng hóa hiệu quả. Do vậy, việc gỡ các nút thắt về hạ tầng để đường thủy là kênh vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng Tây Nam Bộ đang tiếp tục được đẩy mạnh.
Kênh Chợ Gạo là tuyến đường thủy độc đạo nối 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Dù đã được nâng cấp, nhưng hiện tàu thuyền chỉ có thể đi lại vào lúc thủy triều lên. Để khơi thông luồng hàng hóa lớn này, dự án mở rộng, nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 đang gấp rút được triển khai để có thể hoàn thành vào năm 2023.
Kênh Chợ Gạo - tuyến đường thủy huyết mạch vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: VOV)
"Tuyến kênh Chợ Gạo thông sẽ góp phần làm cho việc lưu thông hàng hóa nhanh hơn, thuận tiện hơn và chi phí cũng có thể giảm xuống", ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho hay.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết, dự kiến trong tháng 5 tới, 100% mặt bằng sẽ được bàn giao cho chủ đầu tư để thi công.
Còn Ban quản lý đường thủy, Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu sẽ đưa dự án về đích sớm hơn khoảng 2 tháng khi xác định đây là tuyến giao thông huyết mạch quan trọng.
"Dự án hoàn thiện sớm ngày nào thì hiệu quả kinh tế sẽ tăng lên ngày đó. Khi dự án hoàn thành đầy đủ theo quy hoạch thì lượng hàng thông qua một năm là 70 triệu tấn và nếu đội tàu thay đổi thì lượng hàng thông qua lên tới 80 triệu tấn", ông Dương Thanh Hưng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường thủy, Bộ Giao thông Vận tải, đánh giá.
Khi hạ tầng được khơi thông sẽ góp phần đảm bảo an toàn cho các phương tiện thủy nội địa, đồng thời giúp giảm giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa của Đồng bằng sông Cửu Long.
"Sẽ phát huy được lợi thế của Đồng bằng sông Cửu Long. Với điều kiện hiện nay và kể cả sau này khi có cảng nước sâu ở khu vực sông Hậu thì vẫn phải sử dụng tuyến kênh này", Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang nhận định.
Dự án cải tạo, nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 có chiều dài 10 km, tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ xóa "nút thắt cổ chai" vận tải hàng hóa đường thủy giữa 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh. Đây là cũng sẽ trở thành một phần quan trọng trong hành lang logistics đường thủy của vùng Tây Nam Bộ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!