Gay cấn cuộc đua giành vị thế dẫn đầu về chip

VTV Digital-Thứ hai, ngày 24/04/2023 12:44 GMT+7

VTV.vn - Không chỉ Mỹ, EU, nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tích cực chạy đua để mở rộng thị phần chip.

Châu Âu mạnh tay đầu tư sản xuất chip

Một trong những sự kiện mới nhất khiến cuộc đua trong ngành bán dẫn toàn cầu trở nên gay cấn hơn, đó là việc Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được đồng thuận sơ bộ về "Đạo luật chip bán dẫn", nhằm tăng cường cung cấp chất bán dẫn ở châu Âu, giảm bớt sự phụ thuộc vào châu Á trong lĩnh vực chiến lược này.

Mục tiêu của đạo luật là tăng gấp đôi thị phần toàn cầu của Liên minh châu Âu về chất bán dẫn, từ 10% hiện nay lên ít nhất 20% vào năm 2030. EU sẽ cần tăng gấp 4 lần sản lượng để đáp ứng mục tiêu này. Kinh phí cho chiến lược này sẽ trích từ ngân sách hiện tại của EU.

Theo nhận định của AFP, Liên minh châu Âu, vốn có nền nghiên cứu tiên tiến về chip điện tử, nhưng đã bị mất rất nhiều thị phần trong nhiều thập niên qua. Tình trạng khan hiếm chip bán dẫn đã gây ra một cơn sốc mạnh, kiềm hãm ngành công nghiệp chủ lực như sản xuất xe ô tô.

"Mục đích là để đảm bảo rằng nếu xảy ra bất kỳ một cuộc khủng hoảng nào, giống như cuộc khủng hoảng mà chúng ta đã trải qua trong năm 2022 với căng thẳng ở Ukraine, Liên minh châu Âu vẫn có thể đảm bảo mức sản xuất chip tối thiểu ở trong khu vực và cũng sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác cùng chí hướng", ông Dan Nica, Phát ngôn viên của Liên minh châu Âu (EU), cho biết.

Thị trường tài chính châu Âu quan tâm tới ngành bán dẫn

Thị trường tài chính châu Âu tuần qua quan tâm nhiều tới các chi tiết của Đạo luật chip bán dẫn.

Gay cấn cuộc đua giành vị thế dẫn đầu về chip - Ảnh 1.

Cuộc đua giành vị thế dẫn đầu về chip bán dẫn trở nên ngày càng sôi động. (Ảnh minh họa - Ảnh: ING)

Tờ Le Figaro ra tại Pháp hôm 19/4 nhắc lại mục tiêu của đạo luật, tăng gấp đôi thị phần công nghiệp bán dẫn vào năm 2030 và giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài, với trọng tâm là làm chủ công nghệ và sản xuất chip loại tiên tiến nhất - các loại chip dành cho siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo, hiện nay trên thế giới mới chỉ có 3 nước sản xuất được là Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan.

Bài trang trong có biểu đồ về cán cân hiện tại. Về công nghệ, Mỹ nắm tới 49% giá trị gia tăng. Về sản xuất, Trung Quốc đi đầu với 21%. Tuy nhiên Trung Quốc chiếm tới 38% thị phần lắp ráp. Tính chung cả 3 công đoạn, Mỹ dẫn đầu, bỏ xa Trung Quốc và châu Âu chỉ chiếm 10% thị phần.

Đạo luật chip bán dẫn của châu Âu dựa trên 3 trụ cột chính. Tờ Mặt trời 24h ra tại Italy tóm tắt: thứ nhất là dùng tiền công quỹ tài trợ cho nghiên cứu phát triển công nghệ ở quy mô lớn; thứ hai là tạo dựng khuôn khổ thu hút đầu tư mới, khuyến khích xây dựng nhà máy ngay trong lãnh thổ Liên minh châu Âu; cuối cùng là tạo dựng cơ chế giám sát thị trường, nhằm ngăn chặn và đối phó khủng hoảng.

Tờ báo Italy viết: "Đối với thị trường tài chính lúc này, thú vị nhất là 2 trụ cột đầu tiên, xác định mức tài trợ cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất và nghiên cứu. Đạo luật chip bán dẫn còn nêu con số 43 tỷ Euro dự kiến tổng tài trợ, trong đó ngân sách châu Âu đóng góp 3,3 tỷ, phần còn lại là từ công quỹ các nước thành viên hoặc tài trợ tư nhân.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán từ đầu năm nay tăng trưởng thuận lợi, các công ty niêm yết trong lĩnh vực bán dẫn đang điều chỉnh lại dự báo theo hướng lạc quan hơn.

Nhật báo kinh tế El Economista viết: "Khủng hoảng khan hiếm chip bán dẫn đã kết thúc đang tạo ra cơn sốt mua cổ phiếu của các công ty bán dẫn toàn cầu. Bài báo nêu ví dụ, công ty ASM International của Hà Lan có thể kiếm được 586 triệu Euro trong năm nay, cao hơn gấp rưỡi so với năm 2022. Lợi nhuận của Infineon Technologies, một hãng của Đức, và ASML Holdings cũng của Hà Lan, sẽ tăng tương ứng 38% và 29%.

Bài báo còn nhấn mạnh: "Bất chấp mức tăng trưởng ấn tượng trên thị trường chứng khoán, thị trường đồng thuận dự đoán rằng đà tăng vẫn chưa kết thúc, vì phần lớn các công ty trên thế giới trong lĩnh vực này đang tiếp tục thể hiện tiềm năng trên thị trường chứng khoán của nước mình".

Cuộc đua giành vị thế dẫn đầu về chip

Động thái của EU được cho là bước đi tương tự Mỹ nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung chất bán dẫn từ các quốc gia khác. Tháng 8/2022, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành Đạo luật Chips và dành tới hơn 54 tỷ USD để tài trợ cho các nghiên cứu, xây dựng các nhà máy sản xuất chip.

Cuộc đua giành vị thế dẫn đầu về chip bán dẫn trở nên ngày càng sôi động. Vì không chỉ Mỹ, EU, nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tích cực chạy đua để mở rộng thị phần chip và hướng tới mục tiêu tự chủ trong lĩnh vực này.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhấn mạnh chất bán dẫn là "xương sống" của nền kinh tế Hàn Quốc và là tài sản an ninh quốc gia. Hàn Quốc sẽ xây dựng cụm công nghiệp bán dẫn công nghệ cao lớn nhất thế giới, với Samsung Electronics - nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, dẫn đầu trong dự án trị giá 300.000 tỷ Won, tương đương 230 tỷ USD.

Nhật Bản cũng đặt ra mục tiêu khôi phục lại vị thế của ngành bán dẫn trong nước, với kế hoạch đầu tư khoảng 40 tỷ USD xây dựng nhà máy mới, thúc đẩy sản xuất thế hệ chất bán dẫn hiện đại nhất.

Theo nhận định của ông Chris Miller, tác giả cuốn sách "cuộc chiến chip", hiện tại cuộc đua về chất bán dẫn trên thế giới đang phân chia ra thành 2 thái cực rõ ràng, một bên là Trung Quốc, bên còn lại là các nước khác.

Trong tháng 3 vừa qua, báo chí Mỹ trích nguồn tin cho hay Washington tiếp tục có kế hoạch ban hành thêm các hạn chế xuất khẩu mới để ngăn cản Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip tiên tiến của Mỹ.

Trung Quốc đầu tư hơn 7 tỷ USD vào ngành bán dẫn

Những hạn chế đối với xuất khẩu công nghệ cốt lõi sang Trung Quốc có thể trì hoãn sự phát triển chất bán dẫn tiên tiến của nước này, tuy nhiên Nikkei Asia dẫn lời của nhiều chuyên gia trong ngành cho hay, những căng thẳng chính trị toàn cầu có thể mở ra "kỷ nguyên vàng" cho ngành sản xuất máy móc chế tạo vật liệu bán dẫn nội địa của Trung Quốc.

Với hỗ trợ từ chính phủ, các công ty bán dẫn Trung Quốc dự định chi 50 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 7,26 tỷ USD) để tăng năng lực sản xuất chip trong nước, tờ Nikkei Asia đưa tin.

Các công ty sản xuất thiết bị và vật liệu sản xuất chip nội địa Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng nhờ vào sự hỗ trợ và đầu tư nằm trong kế hoạch "Made in China 2025" của Chính phủ Trung Quốc trong bối cảnh các lệnh hạn chế từ Mỹ khiến việc nhập khẩu máy móc sản xuất chip gặp khó khăn.

Cũng theo Nikkei Asia, khoảng 35% nhà máy bán dẫn Trung Quốc sử dụng vật liệu nội trong năm 2022, tăng mạnh so với con số 21% năm 2021. Một công ty môi giới Trung Quốc cho biết các công ty nội giành được gần một nửa gói thầu thiết bị từ các doanh nghiệp sản xuất chip lớn trong những tháng đầu năm 2023.

Tổng quy mô thị trường thiết bị sản xuất chip tại Trung Quốc năm 2022 là 52 tỷ Nhân dân tệ (hơn 7,5 tỷ USD), gấp khoảng 6 lần năm 2017. Nhiều ý kiến cho rằng những con số trên sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay khi các lệnh hạn chế từ Mỹ khiến nhu cầu mua nội địa tăng cao.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong cuộc đua về chip bán dẫn, việc phân định kẻ thắng người thua còn phụ thuộc vào sự cân bằng trong hỗ trợ cho cả sản xuất và sáng tạo đổi mới. Đến nay, chưa có quốc gia nào có thể mạnh dạn nói rằng mình nắm được chiến thắng dứt khoát trong cuộc đua bán dẫn toàn cầu.

Mỹ tăng nhập khẩu chip từ quốc gia châu Á mới nổi Mỹ tăng nhập khẩu chip từ quốc gia châu Á mới nổi

VTV.vn - Từ đầu năm đến nay, nhập khẩu chip của Mỹ từ bốn quốc gia châu Á là Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia đang tăng mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước