GDP tăng tốc cuối năm
Tăng trưởng GDP nửa đầu năm nay của cả nước đã có sự đột phá đặc biệt trong quý II. Và những tháng cuối quý III càng có thêm những chuyển biến tích cực, mở ra kỳ vọng cho tăng trưởng cả năm nay về đích mục tiêu khoảng 7% như đã đề ra. Theo Ngân hàng Thế giới, điểm rõ nét nhất của bức tranh kinh tế Việt Nam là sản lượng sản xuất công nghiệp tăng.
Đà tăng này cũng tỷ lệ thuận với sự phục hồi của xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo. Theo Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu đến trung tuần tháng 8 vừa qua đạt trên 473 tỷ USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ. Cùng với đó là những động lực tăng trưởng của nền kinh tế như: đầu tư, tiêu dùng đang là những trụ lực chính duy trì sức tăng trưởng cho cả nền kinh tế năm nay.
Đường dây 500kV mạch 3, vừa được khánh thành, là một minh chứng cho đầu tư công và sức lan tỏa của công trình và nguồn lực này đối với cả nền kinh tế không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. Không còn nỗi lo thiếu điện cho sản xuất kinh doanh, đồng thời công trình này còn tạo sự kích thích và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Bà Dorsati Madani - Chuyên gia Kinh tế cấp cao, Ngân hàng Thế giới cho biết: "Tăng trưởng Việt Nam thời gian qua thể hiện trên cả ba nhóm đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư tư nhân và đầu tư công. Có thể thấy, nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và những tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kịp thời những nút thắt nội tại của nền kinh tế sẽ giúp Việt Nam có sự bứt tốc trong thời gian tới".
Động lực tăng trưởng quan trọng tiếp theo là xuất khẩu, vẫn đang duy trì tốt vị thế tích cực và chủ động. Tổng kim ngạch xuất khẩu đến giữa tháng 8 của cả nước đạt trên 473 tỷ USD, xuất siêu gần 15,5 tỷ USD. Các ngành công nghiệp và chế biến chế tạo cũng trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Ông Nguyễn Bích Lâm - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chia sẻ: "Đặc biệt là khu vực công nghiệp chế biến chế tạo đang thúc đẩy tăng trưởng rất tốt. Và lấy lại vai trò của động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Trong công nghệ chế biến chế tạo, ngành xuất khẩu đang có những tăng trưởng tốt".
Xuất khẩu và tiêu dùng cũng như kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam còn sẽ thuận lợi hơn trong thời gian tới vì sẽ được hỗ trợ bởi những yếu tố tích cực từ bên ngoài. Như việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ Fed đang xem xét cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.
Ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia nhận định: "Mặt bằng lãi suất trên thế giới bắt đầu giảm. Đây là một động lực vô cùng quan trọng. Bởi nó sẽ kích cầu đầu tư, tiêu dùng, kể cả nghĩa vụ tài chính mà doanh nghiệp, Chính phủ, người dân đã và đang phải chi trả vừa qua".
Nhiều dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay có thể đạt khoảng 7%. Tuy nhiên, những nút thắt về cơ chế, chính sách và cải cách để tạo sự thông thoáng cho môi trường đầu tư kinh doanh vẫn là những điều cần được tháo gỡ, qua đó mới tạo thêm sức bật cho nền kinh tế hoàn thành mục tiêu tăng trưởng như đã đề ra.
Nhiều dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay có thể đạt khoảng 7%
Thúc đẩy sản xuất để tăng trưởng cao
Yếu tố dễ nhận ra về sức khoẻ của nền kinh tế là nhu cầu đầu tư. Theo Ngân hàng Thế giới, đầu tư nước ngoài tăng trưởng ấn tượng, đầu tư tư nhân nhu cầu mở rộng sản xuất đã có dấu hiệu phục hồi mạnh, sẽ tác động đến tổng cầu của nền kinh tế. Đây là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng đến cuối năm nay.
Với TP. Hồ Chí Minh, nhờ tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn có sự phục hồi và phát triển rõ nét đã giúp cho đầu tàu kinh tế cả nước đạt tăng trưởng GRDP nửa đầu năm nay tăng 6,46% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong ba năm trở lại đây.
Ngay từ đầu năm, doanh nghiệp sản xuất thép kết cấu xây dựng này liên tục nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu, qua đó đưa doanh thu của doanh nghiệp tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Đỗ Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc Quản lý sản xuất Công ty CP Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng cho biết: "Chúng tôi nhận được rất nhiều đơn hàng từ các thị trường Mỹ, Canada, Nhật Bản tăng trưởng rất cao, đặc biệt là trong lĩnh vực về nhà cao tầng, các công trình về công nghiệp, nhà xưởng…"
Sự phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp đã đưa chỉ số sản xuất công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh tăng dần qua các tháng như 6 tháng đầu năm tăng 5,6%, 7 tháng tăng 6,2%. Bên cạnh tín hiệu tích cực của thị trường thế giới và sự nỗ lực của doanh nghiệp, Thành phố cũng đã có những giải pháp như: kết nối ngân hàng với doanh nghiệp để đẩy nhanh cung ứng tín dụng, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu bằng việc tham gia các hội chợ, triển lãm để kết nối cung cầu.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: "Chúng tôi đang phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2024 là 7,5%. Qua rà soát 6 tháng đầu năm, UBND Thành phố đã có chỉ thị về các biện pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng gồm 8 nhóm giải pháp, trong đó, chúng tôi tập trung cho giải pháp về đầu tư, tức là giải ngân đầu tư công, thu hút đầu tư xã hội. Thứ hai là chi tiêu, thúc đẩy chi tiêu công, cũng như tạo ra các cơ hội tiêu dùng trong nhân dân".
Bà Nguyễn Trúc Vân - Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế TP. Hồ Chí Minh nêu ý kiến: "Kỳ vọng rằng quý III và quý IV sẽ có mức tăng trưởng: trên 8% ở quý III và quý IV trên 8,7%".
Theo các chuyên gia, hiện TP. Hồ Chí Minh đang tập trung thúc đẩy nhóm giải pháp thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, đẩy nhanh chi tiêu công, kể cả tiêu dùng của người dân. Qua đó kỳ vọng Thành phố sẽ tăng tốc trong những tháng còn lại của năm, nhằm đạt mục tiêu đề ra là GRDP tăng 7,5% trong năm nay.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ưu tiên lúc này là giữ vững đà phục hồi của nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng quý III đạt kịch bản 6,5-7,4%, tạo bản lề để hoàn thành đạt và vượt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!