Báo chí châu Âu tuần qua cho rằng, đầu cơ trên thị trường nguyên liệu thế giới là một trong những nguyên nhân đẩy giá cà phê nguyên liệu lên mức cao nhất kể từ gần 30 năm qua. Ngay cả dòng cà phê Robusta mà Việt Nam là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới cũng đã đạt mức giá cao ngang dòng Arabica.
Khi giá cà phê nguyên liệu tăng cao hồi tháng 9, báo chí châu Âu cho rằng nguyên nhân là do các nhà nhập khẩu châu Âu phải cố gắng mua vào tối đa trước khi Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu có hiệu lực vào ngày cuối năm nay.
Nhưng bây giờ, khi quy định đó đã được đẩy lui một năm, giá cà phê vẫn liên tục phá kỷ lục, mà không có nguyên do nào mới mẻ cả. Tờ Jornal de Negócios ra tuần trước có bài “Cà phê tiếp tục tăng giá trong bối cảnh lo ngại nguồn cung thấp”, “Brazil và Việt Nam không thể duy trì được sản lượng cà phê, do thời tiết khô hạn kéo dài”. “Tính từ đầu năm đến thời điểm hiện tại, giá Arabica nguyên liệu đã tăng 64% và Robusta tăng 63,6%”, tăng hơn gấp đôi trong vòng chưa tới một năm. Tờ báo đặt câu hỏi, vậy “Những yếu tố nào đang thúc đẩy giá cà phê?”.
Tờ Cinco Días ra tại Tây Ban Nha hôm thứ Năm tuần trước liệt kê những lý do không mới, nhưng đã làm cho “giá cà phê lên tới mức đỉnh điểm kể từ năm 1977”. Bài báo viết: “Sản lượng Robusta ở Việt Nam sụt giảm khiến cho giá dòng sản phẩm này tăng đáng kể”. Một lý do nữa là “lượng xuất khẩu vọt lên trong năm nay để tận dụng giá cao đã làm tồn kho giảm, cùng với dự báo sản lượng thấp trong mùa tới có thể tác động xấu tới nguồn cung”. Vấn đề là những chuyện đó ai cũng đã biết từ lâu. Tờ báo cho rằng, nguyên nhân chính là đầu cơ trên thị trường nguyên liệu. “Nhiều quỹ đầu tư dài hạn đang tăng vị thế đối với cà phê”, “có rất nhiều động lực khác nhau trên thị trường hàng hóa và thật không may, mục tiêu của nhà đầu tư là kiếm lãi, chứ không phải cà phê”. “Chỉ riêng trong tháng 11 vừa kết thúc, giá cà phê đã tăng 31,6%”, mức tăng chỉ có thể giải thích là do hoạt động đầu cơ trên thị trường nguyên liệu thế giới.
Tờ Tấm gương hàng ngày của Đức cũng cho rằng, đầu cơ mới là nguyên do chính. Trong bài báo “giá lên cao nhất trong 27 năm qua, uống cà phê ngày càng tốn kém”, tờ báo Đức viết: “Tính thanh khoản trên thị trường cà phê kỳ hạn thấp hơn đáng kể so với các nguyên liệu thô khác, như vàng hoặc đồng. Chỉ cần nhà giao dịch hoặc quỹ quản lý thay đổi vị thế, mua vào hay bán ra lượng lớn, là lập tức gây ra biến động lớn về giá”. Bài báo khẳng định, giờ đây, “người tiêu dùng cũng đang cảm nhận được tác động của giá cà phê”. “Nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới là Nestlé cũng đang muốn tăng giá cà phê rang xay, bằng cách đóng gói cà phê với bao bì cỡ nhỏ hơn”.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!