Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và kế hoạch cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (nhóm OPEC+) cũng tạo ra sự chi phối trên thị trường.
Trong nửa đầu năm 2024, dầu Brent ghi nhận 3 nhịp điểu chỉnh lớn. Đầu tiên là sự leo dốc nhanh trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tuần đầu của tháng 4, đà tăng là hơn 20%. Dầu Brent chạm đỉnh hơn 91 USD. Nhưng chỉ trong 2 tháng sau đó, sức nóng trên thị trường hạ nhiệt. Giá dầu mất hoàn toàn đà tăng trước đó, về ngưỡng 77 USD/thùng.
Hiện dầu Brent đang bước vào nhịp điều chỉnh thứ 3 khi giá tăng trở lại suốt 3 tuần qua khi căng thẳng tại khu vực Trung Đông có dấu hiệu leo thang.
Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết: "Biến động trên thị trường dầu trong nửa đầu năm đang hết sức phức tạp và khó đoán, đặc biệt là căng thẳng tại khu vực Trung Đông. Đây vốn dĩ là trung tâm sản xuất dầu thô lớn của thế giới, nên việc giá dầu liên tục đảo chiều theo sát các diễn biến thực tế là điều hoàn toàn dễ hiểu. Cùng với đó, việc OPEC+ thực hiện chính sách cắt giảm sản lượng cũng là yếu tố đã thúc đẩy đà tăng đối với giá".
(Ảnh minh họa - Ảnh: istock)
Chênh lệch cung cầu và rủi ro địa chính trị sẽ là hai yếu tố chính tác động tới thị trường trong nửa cuối năm 2024. Xu hướng phục hồi của giá dầu có thể sẽ còn tiếp tục duy trì trong quý III.
"Giá dầu có thể sẽ quay trở lại mức đỉnh 85 - 90 USD/thùng, khi mà OPEC+ duy trì chính sách cắt giảm gần 6 triệu thùng/ngày. Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ cũng đã dự báo thị trường sẽ thâm hụt 560.000 thùng/ngày trong quý III", ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định.
Dự báo việc FED có thể hạ lãi suất từ tháng 9 tới sẽ giúp hạ nhiệt đồng USD, qua đó cũng làm hạn chế đà tăng giá của dầu thô trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!